Doanh nghiệp “chuyển mình” trước làn sóng công nghiệp 4.0

Thứ Sáu, 13/04/2018, 09:14
Theo đánh giá của các chuyên gia, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam. Những ngành được hưởng lợi là du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng. 

“Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà kinh tế trên thế giới, cuộc cách mạng 4.0 có tác động mạnh mẽ đến các ngành: sản xuất tự động hóa, giao thông, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp. Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam cuộc cách mạng 4.0 đang dần lộ rõ, vẫn còn khá mới mẻ. Theo kỳ vọng, làn sóng công nghệ mới này giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất đổi mới sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phi trong sản xuất vận hành, đặc biệt đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết tại hội thảo “DN Việt Nam với Cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 12-4 tại TP Hồ Chí Minh.

Nói về sự “chuyển mình” của DN trước cuộc cách mạng 4.0, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ: Việt Nam là xứ sở nông nghiệp, vì vậy công nghệ sinh học rất quan trọng, giúp cho việc ứng dụng vào đời sống thực tiễn. 

Người tiêu dùng quan tâm ngày càng nhiều đến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.

Trong quá trình hoạt động, Vinamit luôn hướng tới những giải pháp cho nông nghiệp, công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô. Đặc biệt, 5 năm gần đây Vinamit nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học. 

Ông Viên cho rằng, với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, DN Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm. 

Nhất là lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá sẽ có sức hấp dẫn người tiêu dùng.

Ông Trịnh Thành Nhơn - Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC thừa nhận: “Cách mạng 4.0 khá mới mẻ với chúng ta và tôi cũng không biết hiện nay tôi đang ở đâu trong cuộc cách mạng này”. 

Tuy nhiên, theo ông Nhơn, trong 42 năm công ty hoạt động sản xuất và kinh doanh các ngành hàng: kem đánh rằng, bột giặt, các sản phẩm tẩy rửa khác thì công ty liên tục đầu tư, đổi mới công nghệ mới tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng công suất sản xuất, giảm lao động.

Cụ thể, trước đây khi máy móc còn lạc hậu thì công ty có đến 150 công nhân làm thủ công. Nay, trang bị công nghệ mới, công ty sản xuất sản lượng 3 lần nhưng sử dụng chưa tới 50 công nhân. 

“Với hiệu quả đó, trong năm 2018, chúng tôi sẽ nhập một hệ thống thiết bị tự động hóa dây chuyền sản xuất bột giặt. Hiện nay, công ty sản xuất 1 giờ được 5 tấn bột giặt, cần 15 lao động. Nhưng nếu tháng 6 này nhập thiết bị về thì mỗi giờ công suất đạt 7 tấn và chỉ cần 5 lao động. Đó là cái chúng tôi đang tự động hóa, hợp lý hóa trong sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Nhơn khẳng định.

Không chỉ DN sản xuất tích cực “chuyển mình” để theo kịp thời kỳ công nghiệp mới, mà một số DN thương mại-dịch vụ cũng đã chuẩn bị tâm thế cho cuộc hội nhập này cũng khá sớm. 

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về: Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tận dụng những cơ hội thúc đẩy sự phát triển đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, các địa phương tạo sự bức phá về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông; cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia... Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều trăn trở. 

Ông Lê Đình Phong, Nghiên cứu viên Trung tâm triển khai, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa toàn phần đến tự động hóa toàn bộ. 

Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài, một phần do tận dụng giá nhân công lao động thấp, trong khi vốn đầu tư cho các dây chuyền tự động rất lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam. Những ngành được hưởng lợi là du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng. Một số ngành có thể bị tác động tiêu cực, cần có kế hoạch tái cơ cấu cho phù hợp như ngành: Năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may. 

Thúy Hà
.
.
.