Doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:11
Từ ngày 1-7 tới, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được quy định tại các thông tư sẽ vô hiệu nếu không nâng cấp lên thành nghị định.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, quyền tự do kinh doanh đã được thể hiện khá mạnh mẽ trong Hiến pháp 2013 khi quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm. 

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã hiện thực hóa quyền trong Hiến pháp bằng những quy định đột phá đặc biệt liên quan đến quyền kinh doanh. Những ngành nghề cấm, kinh doanh có điều kiện đã được minh bạch hóa với danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và, luật cũng quy định, ngày 1-7, các ĐKKD ở thông tư sẽ không có hiệu lực nếu không được nâng cấp lên thành nghị định. 

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm về quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN thể hiện qua Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. 

Tuy nhiên, nhiều thách thức phải đối mặt hiện nay là ĐKKD còn chằng chịt, rắc rối với gần 6.000 ĐKKD tại 267 ngành nghề. Trong đó, có đến 3.000 quy định ở văn bản không đúng thẩm quyền theo luật. Điều lo ngại là dù sau khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, “nhiều bộ vẫn ban hành ĐKKD”.

“Rõ ràng, việc rà soát sắp xếp các ĐKKD là không dễ khi mà các bộ vẫn “vô tư” ban hành các ĐKKD. Chính vì lẽ đó, việc rà soát ĐKKD dù đang được triển khai nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Bởi lẽ, các bộ, ngành “hình như” nâng cấp một cách cơ học từ thông tư lên nghị định mà chưa đánh giá tính hợp lý các ĐKKD. Điều này dẫn đến nguy cơ phức tạp thêm ĐKKD không cần thiết vì các ĐKKD vẫn như cũ, chưa loại bỏ”, ông Lộc nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty Luật BASICO - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng khẳng định, không cần phải chờ đến ngày 1-7-2016, hàng nghìn ĐKKD đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 10 năm qua đều là trái luật. 

Điều kiện kinh doanh không minh bạch là nỗi lo của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa CTV)

Lý do là, ngay khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và ĐKKD”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD.

Quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014 chỉ có một điểm khác là hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng không còn được phép ban hành ĐKKD như trước đây. 

Ông Trương Thanh Đức cho biết, sau 16 năm, số giấy phép con, tức ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 ĐKKD trái luật. 

Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra thực tế, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 có quy định chỉ có 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng tại thời điểm này lại xuất hiện ít nhất ngành, nghề kinh doanh thứ 268 là dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Ông Đức lo ngại, nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định của Luật Đầu tư thì lại sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể 268++ bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Những ĐKKD thuộc 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa có quy định cụ thể hoặc mới chỉ được quy định trong các thông tư mà không được Chính phủ ban hành bằng các Nghị định trước ngày 1-7-2016 thì sẽ vô hiệu.

Ngay cả trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng nếu cứ chép lại ĐKKD trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành ĐKKD không có cơ sở hợp lý thì không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà cũng còn trái với quy định tại Luật Đầu tư, thậm chí là còn vi hiến.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, do thời hạn gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến DN, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến. 

Tính đến 31-5, trong tổng số 49 nghị định thì chỉ có 38 nghị định đã trình Chính phủ, còn 11 nghị định chưa trình. Trong số đó, chỉ có 24 nghị định lấy ý kiến VCCI. Còn cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp thì thẩm định 44 nghị định chỉ trong 1 tuần. 

Minh họa cho việc chất lượng các dự thảo nghị định trình lên Chính phủ là đáng lo ngại, ông Tuấn nêu ví dụ và đặt câu hỏi: “Trong nội dung dự thảo nghị định kinh doanh mũ bảo hiểm, ngoài việc đưa các quy định của thông tư lên nghị định, dự thảo còn bổ sung thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác như có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất... Vì sao nội dung quy định đã đủ mà dự thảo lại bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới? Liệu có cần thiết đăng ký kinh doanh đối với mũ bảo hiểm không, hay chỉ cần bảo đảm chất lượng mũ mà thôi?”.

Ông Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên VIAC băn khoăn: Có nên luật hóa hay nghị định hóa các thông tư hay không khi mà dự thảo có quá nhiều vấn đề? Bởi nếu đưa các vấn đề bất hợp lý thành nguyên tắc để áp dụng chung thì vô cùng nguy hiểm khi mà các ĐKKD đặt ra có nhiều quan điểm trái chiều. Do đó, cần thiết phải có một cơ chế phản biện và chứng minh về những điều kiện đặt ra.

Đánh giá về thực tế hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong quá trình soạn thảo ĐKKD, ban soạn thảo cần phải lấy đủ ý kiến của cả các DN lớn và DN nhỏ. Phải tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới; tính xem có bao nhiêu DN đang tồn tại đáp ứng được quy định mới. Có như vậy công tác đánh giá tác động của ĐKKD mới đi vào thực chất.

“DN không sợ ĐKKD, DN chỉ sợ ĐKKD không minh bạch”, ông Tuấn khẳng định.

Lưu Hiệp
.
.
.