Công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam năm 2014:

Điều kiện kinh doanh đã trở lại mức tốt nhất

Thứ Bảy, 21/06/2014, 15:27
Theo kết quả khảo sát “Động thái doanh nghiệp Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2014 và dự cảm cho 6 tháng cuối năm do Viện phát triển doanh nghiệp-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành định kỳ hàng năm tại hàng ngàn DN trên phạm vi toàn quốc vừa được công bố ngày 19/6 tại Hà Nội, nhiều yếu tố của tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm được DN cảm nhận tốt hơn 6 tháng cuối năm 2013.

Trong đó, đáng chú ý là sự lạc quan của DN, theo khảo sát của VCCI chủ yếu đến từ điều kiện kinh doanh đã trở lại mức tốt nhất kể từ năm 2011.

Đánh giá chung về kết quả khảo sát động thái DN 2014, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết: Về các yếu tố thành phần phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) nhìn chung đều được cải thiện hơn so với 6 tháng cuối năm 2013. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, có khoảng 4,2% DN phải tạm ngừng hoạt động. Con số này giảm so với mức 7,6% của năm 2013. Thời gian đóng cửa trung bình của DN cũng rút ngắn từ 2,5 tháng trong năm ngoái xuống 1,5 tháng nửa đầu năm nay. Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hằng, sự lạc quan của DN, theo khảo sát của VCCI chủ yếu đến từ điều kiện kinh doanh đã trở lại mức tốt nhất kể từ năm 2011. Đa số đơn vị trong nước cảm nhận tốt về mức độ tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ, nhu cầu thị trường quốc tế... đặc biệt là việc tiếp cận vốn vay 6 tháng đầu năm đã dễ dàng hơn. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là lãi suất cho vay thấp hơn và các thủ tục vay vốn được tiến hành theo hướng thông thoáng hơn. Điều này dẫn tới chỉ số động thái thực thấy trong 6 tháng đầu năm 2014 cải thiện hơn nhiều so với năm 2013, tăng từ mức âm 21 điểm lên âm 5 điểm. Bên cạnh đó, kết quả báo cáo cũng cho thấy, tổng doanh số của các DN có xu thế được cải thiện rõ rệt và 6 tháng cuối năm 2014, các DN dự cảm doanh số tiếp tục được cải thiện khá cao. Giá bán bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm so với 6 tháng cuối năm 2013 mặc dù với tốc độ chậm lại, phản ánh một thực tế rằng các DN vẫn thực hiện các biện pháp giảm giá và tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số nhưng không còn giảm sâu và ồ ạt như năm 2013.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng DN và nhóm phân tích, với việc Trung Quốc đặt giàn khoan sâu trong thềm lục địa của Việt Nam đã và đang gây ra những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2014.

Bà Đoàn Thị Quyên - Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng: Xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất nhập khẩu với Trung Quốc có thể bị tác động mạnh, trong đó bị ảnh hưởng nhiều nhất là các mặt hàng nông sản như cao su, lúa gạo, rau quả. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng như phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu ngành dệt may có thể bị tác động do kim ngạch nhập khẩu với Trung Quốc khá lớn. Mặt khác, dòng vốn FDI đặc biệt là vốn giải ngân có thể bị chậm lại trước tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư; thị trường du lịch bị tác động, đặc biệt là lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, vận tải đường biển, đánh bắt xa bờ, khai thác dầu khí; Thị trường tài chính có thể bị tác động do yếu tố tâm lý. Do đó, cộng đồng DN đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhằm tiếp tục tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, DN đề nghị Chính phủ và Nhà nước tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa thị trường, bạn hàng vì hầu hết các DN phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là không tiêu thụ được sản phẩm; tăng cường xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản vì theo đánh giá của DN công tác này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của DN; cần xem xét lại và tăng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo lên 15%; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, DN cũng cho rằng, Chính phủ nên mở rộng áp dụng mô hình đối tác công tư (TTP) trong lĩnh vực giao thông đường bộ (44,5%); sản xuất phân phối điện (33,9%); dịch vụ cảng (10%); dịch vụ viễn thông (3,5%) và dịch vụ cấp nước (1%). Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để tránh lỗ hổng chuyển giá (chiếm 48%); giảm thuế thu nhập DN (23%) và tăng cường công tác thanh kiểm tra (7%)

H.Thanh
.
.
.