Có nên cổ phần hóa lực lượng kiểm soát an ninh hàng không?

Thứ Tư, 27/07/2016, 09:40
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã có báo cáo đề xuất lên Bộ GTVT về việc không cổ phần phần hóa lực lượng kiểm soát an ninh hàng không (ANHK).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay theo quy định của pháp luật, lực lượng kiểm soát ANHK được phép trang bị vũ khí quân dụng. Trên thực tế, 4 cảng hàng không hiện có vũ khí quân dụng là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Pleiku.

Tuy nhiên, 4 cảng hàng không có vũ khí quân dụng này là do lịch sử để lại (từ khi lực lượng kiểm soát ANHK còn thuộc quân đội), cho đến nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được cổ phần hóa thì việc một doanh nghiệp cổ phần có lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng (thực chất đã là lực lượng bán vũ trang) là chưa có tiền lệ, hơn nữa lực lượng này còn bảo vệ cảng hàng không là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, về lâu dài sẽ tạo ra nguy cơ lớn đối với an ninh chính trị từ việc quản lý vũ khí, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.

Kiểm tra an ninh trước giờ khách lên tàu bay.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, lực lượng kiểm soát ANHK thuộc doanh nghiệp cổ phần dễ bị thương mại hóa và không được quan tâm đúng mức, các chi phí (đào tạo, huấn luyện, quản lý…) luôn có xu hướng bị thu hẹp, quân số bị hạn chế tối đa, các nhiệm vụ không có nguồn thu sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của công tác bảo đảm ANHK.

Bên cạnh đó, nhân viên kiểm soát ANHK thực hiện nhiệm vụ mang tính công vụ, phải có đủ thẩm quyền để thực hiện kiểm tra, lục soát người hành khách, hành lý, hàng hóa, phương tiện tại cảng hàng không, sân bay.

Thế nhưng do không được quan tâm đúng mức, nên tính chuyên nghiệp của lực lượng kiểm soát ANHK bị hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nền nếp tác phong, thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không chưa đáp ứng yêu cầu.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, lực lượng kiểm soát ANHK trực thuộc doanh nghiệp cảng là các công ty cổ phần theo xu thế xã hội hóa cảng hàng không, sân bay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự chỉ đạo điều hành, tính tập trung thống nhất, tính chuyên nghiệp của lực lượng kiểm soát ANHK và chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ANHK. Vì vậy Cục Hàng không cho rằng, nên tách lực lượng kiểm soát ANHK ra khỏi ACV, không nên cổ phần hóa lực lượng kiểm soát ANHK Việt Nam. Việc này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản quy phạm.

Tuy nhiên, không đồng tình với lập luận này, lãnh đạo ACV lại cho rằng, trong các năm vừa qua (từ 2012 đến 2015) ACV đã chỉ đạo, điều hành lực lượng kiểm soát ANHK trực thuộc ACV hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cho gần 2000 lần/chuyến chuyên cơ; chỉ đạo điều hành ứng phó ban đầu với hàng chục lần tình huống khẩn nguy tại chỗ và 1 lần tình huống khẩn nguy hoàn toàn về an ninh tuân thủ, công tác phối hợp trong ứng phó, xử lý các tình huống khẩn nguy luôn nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, ACV là một doanh nghiệp đặc biệt, kinh doanh có điều kiện tổ chức khai thác cảng hàng không nên để thu được lợi nhuận thì trước tiên phải làm tốt công tác bảo đảm ANHK tại cảng vì ANHK đóng vai trò to lớn vào hoạt động chung của cảng...

Trước những ý kiến trái ngược này hiện Bộ GTVT vẫn chưa nêu quan điểm.

Phạm Huyền
.
.
.