Chậm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp… hết tiền

Chủ Nhật, 15/01/2017, 08:17
Năm 2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra 60 đơn vị về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành liên quan đến sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy trọng điểm gây bức xúc như nhiệt điện, giấy, dệt...

Bộ này nhận định, dù ý thức của các cơ sở đã tốt hơn, nhưng quá trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của Bộ vẫn gặp nhiều vướng mắc. Đó là việc các doanh nghiệp nằm trong danh sách đều là những cơ sở gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do yếu tố lịch sử để lại. Điều này dẫn đến tài chính cho xử lý ô nhiễm môi trường là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi vừa phải giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vừa phải giải quyết vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, trong thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, nhiều doanh nghiệp lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cho các dự án di dời hoặc xử lý ô nhiễm môi trường hay thuê đất trong khu công nghiệp do thay đổi chủ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí được quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải do mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp như Công ty Bia Hà Nội-Hải Phòng cơ sở 1, Công ty Dệt may Thắng Lợi, Nhà máy Bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh...

Được biết, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp xây dựng "Chương trình phối hợp quản lý và kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp và thương mại"; đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngăn chặn tình trạng phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.

Vũ Hân
.
.
.