Lò sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 01/12/2016, 08:28
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ vào vụ thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên, hàng trăm lò sấy cà phê lại mọc lên như nấm trong khu dân cư.

Điều đáng nói là những lò sấy này hoạt động liên tục ngày đêm, không chỉ gây tiếng ồn, mà còn thải bụi, khói ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như đời sống của người nhân. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đang lúng túng trong việc xử lý…

Đã gần hai tháng nay, hàng trăm hộ dân tại thôn Tân Lập 5 và 6 (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) phải chịu cảnh sống chung với khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối phát ra từ lò sấy cà phê của gia đình ông Nguyễn Hữu An.

Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình ông An có 2 lò sấy cà phê với quy mô khoảng 4m3/lò đã hoạt động từ nhiều năm nay. Hằng năm, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, 2 lò sấy này lại hoạt động hết công suất từ 16h hôm trước đến 8h sáng hôm sau.

Điều đáng nói là cả hai lò sấy này lại nằm ngay khu vực đông dân cư, tiếp giáp giữa hai thôn nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân xung quanh.

“Nhiều năm qua, chúng tôi làm đơn khiếu nại, phản ánh với chính quyền địa phương cũng như trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng hiện chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra xử lý dứt điểm”, bà Nguyễn Thị Kim Châu (trú thôn Tân Lập 5) cho biết.

Đem vấn đề trên trao đổi với bà HPin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Đrang được biết, theo thống kê, trên địa bàn xã có khoảng 62 hộ dân sử dụng lò sấy cà phê. Hầu hết các lò này đều nằm trong khu dân cư và do người dân làm tự phát, chưa được ngành chức năng cấp phép...

Không chỉ ở Đắk Lắk, mà hiện nay, hầu hết trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đều đang tồn tại những lò sấy cà phê kiểu này. Chỉ tính riêng tại địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã có tới 250 lò sấy hoạt động, không chỉ nằm trong khu dân cư, có nhiều lò sấy cà phê còn nằm gần trường học, bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trước mắt, có hai phương án được đưa ra để bảo vệ môi trường là di dời các lò sấy này vào khu công nghiệp và sử dụng lò sấy hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường.

Tuy nhiên, việc di dời lò sấy đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ, bên cạnh đó chủ yếu các lò sấy chỉ hoạt động đặc thù thời vụ ngắn và liên quan đến giao dịch mua bán nên rất khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số hộ gia đình sử dụng lò sấy tự đảo, khép kín được đánh giá là hiệu quả và hạn chế được thấp nhất ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, các lò này đang ở quy mô hộ gia đình, chưa áp dụng vào hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân ngại bỏ tiền đầu tư lại lò sấy mới mà chỉ cải tạo và sử dụng lò cũ nên rất khó”.

Theo chúng tôi, việc khuyến cáo, vận động người dân bỏ lò sấy cũ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng, sử dụng lò sấy cải tiến, lò sấy mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường, cũng như việc chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh tay hơn đối với các lò sấy gây ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.
Văn Thành
.
.
.