Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp

Thứ Năm, 22/06/2017, 15:58
Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2017 diễn ra tại Hà Nội hôm 22-6, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân thông qua kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các loại hình DN.

Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm xuất bản Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Chương trình “Diễn đàn Phát triển DN Việt Nam 2017” tại Hà Nội sáng ngày 22-6 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, đại diện cho khối cơ nhà nước và DN.

Trong vài năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã nỗ lực rất lớn để xây dựng và thực thi và cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân và cộng đồng DN. Những nỗ lực đó được minh chứng qua số lượng khổng lồ lượt DN đăng kí mới, ước tính hơn 100.000 vào năm 2016, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Diễn đàn.

Mặc dù vậy, khu vực DN tư nhân Việt Nam chưa phát triển và phát huy hết tiềm năng, còn hạn chế về năng lực sản xuất và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân xuất phát từ cả các yếu tố nội tại và rào cản bên ngoài.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, nhận định, khu vực DN Việt Nam đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng.

“Như vậy, các khu vực tư nhân trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước của DN tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến", ông Ánh cho biết.

TS. Ánh khẳng định, kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. 

Các chuyên gia cho rằng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình DN.

Bởi vậy, ông Ánh cho rằng điều kiện tiên quyết là cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và DN ngoài nhà nước. Theo đó, mọi chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân cần dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi, tôn trọng, chủ động, đúng theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014.

Trong khi đó, nhận định về cơ cấu DN Việt Nam, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết hiện có tới hơn 90% toàn bộ DN trong nước là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng quy mô nhỏ là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế và khó khăn trong đầu tư mở rộng hoạt động. Việc này dẫn đến lợi nhuận của nhóm DN này không lớn và có rủi ro cao.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự được cải thiện: “Có một thực trạng là hiện các DN lớn đang bị thanh, kiểm tra nhiều lần, chồng chéo nhau, trong khi DN nhỏ thì ít bị hơn. Điều này đã dẫn tới việc các DN nhỏ hoạt động theo hướng tiêu cực là “không muốn lớn, và không dám lớn”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã thẳng thắn trao đổi những góc nhìn đa chiều về tình hình kinh tế Việt Nam thông qua số liệu cụ thể và đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển DN trong những năm tới. 

Phùng Nguyễn - Duy Tiến
.
.
.