Doanh nghiệp Nhà nước vào “tầm ngắm” của Quốc hội

Thứ Tư, 21/06/2017, 15:31
Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016” vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 21-6, với 93,69% tổng số ĐBQH tán thành.


Theo đó, Đoàn giám sát sẽ do Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Đoàn. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực. Các Phó trưởng đoàn khác gồm: ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách và bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, nội dung giám sát này đã được Quốc hội biểu quyết lựa chọn cho năm 2018. Do năm này có nội dung rất quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nên Quốc hội sẽ chỉ giám sát 1 chuyên đề về doanh nghiệp nhà nước này, thay vì 2 chuyên đề như thông lệ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết đã nhận được 329 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp vào dự thảo Nghị quyết (tính đến cuối ngày 16/6), với đa số ý kiến tán thành.

Ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 nội dung cuối cùng trong lịch trình

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thành viên Đoàn giám sát còn nhiều người (như dự kiến, tổng thành viên của Đoàn sẽ là 32 người; nếu tính cả cán bộ phục vụ, báo chí, lái xe... thì khoảng 40 - 45 người; nếu chia thành 4 Đoàn công tác, mỗi đoàn cũng từ 15 - 20 người; mặt khác, các Vụ chuyên môn cũng không đủ người để đi phục vụ 4 đoàn công tác một lúc... là không hợp lý, cần giảm bớt ít nhất 1/3).

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Sự tham gia của đại diện đầy đủ Hội đồng, Ủy ban trong thành phần Đoàn giám sát là cần thiết để các cơ quan có điều kiện tham gia ý kiến về lĩnh vực phụ trách đối với chuyên đề giám sát. Về số lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết theo Quy chế hoạt động giám sát thì tổng số thành viên theo dự kiến là phù hợp.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Đoàn giám sát sẽ thực hiện nhiều hoạt động, như: Tổ chức các đoàn công tác đi giám sát tại địa phương; làm việc với Chính phủ, bộ, ngành; tổ chức hội thảo, tọa đàm. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết, Trưởng Đoàn giám sát sẽ quyết định cụ thể số lượng người tham gia các hoạt động, bảo đảm cơ cấu, thành phần phù hợp với quy định tại Quy chế.

Trong các hoạt động nêu trên, chỉ có các đoàn công tác tại địa phương là cần phải chú ý khống chế về số lượng, còn các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, báo cáo, dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề... cần ý kiến của nhiều thành viên Đoàn giám sát. Do vậy, để hài hòa giữa các nhu cầu nêu trên, xin được giữ nguyên số lượng người tham gia Đoàn giám sát như Dự thảo.

Về đề nghị của ĐB bổ sung vào phần nội dung giám sát một ý về “các sai phạm phát hiện qua giám sát và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung vào Nghị quyết. 

Vũ Hân
.
.
.