Cần cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ công ích

Thứ Sáu, 06/01/2017, 08:07
Ngày 5-1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị Việt Nam.

Theo CIEM, trong một nghiên cứu cung ứng dịch vụ công ích trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam vừa thực hiện, dịch vụ công chia làm 3 loại, gồm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích.

Trong đó, dịch vụ công ích là dịch vụ rất quan trọng, phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Dịch vụ công ích tại các đô thị của Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm ở danh mục B (cấp thoát nước, vận tải công cộng tại các đô thị, chiếu sáng, dịch vụ quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh...).

Kinh phí cắt tỉa cây xanh của Hà Nội được dư luận đặc biệt chú ý trong năm 2016.

Trên thực tế, khoản kinh phí mà ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động này hàng năm rất lớn và các doanh nghiệp (DN) thuộc Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đảm nhận cung ứng các dịch vụ nói trên.

Tuy nhiên, đến nay, cơ chế chỉ riêng DN Nhà nước (thường gọi là DN công ích) đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ích tại đô thị không còn phù hợp nữa, cần có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa hình thức DN tham gia, chủ yếu với sự có mặt của DN tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động và dịch vụ công ích. Đây cũng là yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng theo nội dung cam kết hội nhập quốc tế của Việt  Nam.

Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), TS Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, cần chủ động trao cơ hội, kêu gọi các DN tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra trên diện rộng và nhanh chóng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội để các đơn vị cạnh tranh với nhau trên tinh thần công bằng; từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ. 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, dịch vụ công là khu trú cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Chỗ này chưa có thị trường, hoàn toàn hoạt động theo cơ chế bao cấp, trong đó có dịch vụ công ích.

Vì vậy, cần phải thị trường hóa để khu vực này hoạt động theo nguyên tắc thị trường, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Do vậy, cần mở rộng và phổ quát hoạt động cung ứng dịch vụ công ích tại đô thị gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng tính tự chủ và bảo đảm mở rộng cửa cho các DN ngoài Nhà nước tham gia; đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực y tế và giáo dục.

Lưu Hiệp
.
.
.