Bước phát triển “Vững niềm tin, bền ý chí” của tập đoàn FLC
- Chủ tịch FLC bật mí về nguồn tiền đầu tư các dự án khủng
- FLC Group ký kết đại lý phân phối dự án FLC Hạ Long
- Khởi tranh FLC Golf Championship 2016
Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC để hiểu rõ hơn về những bước phát triển của tập đoàn trong 15 năm qua và chiến lược trong tương lai…
Phóng viên (PV): Mới đi vào hoạt động 15 năm, đến nay thương hiệu của tập đoàn FLC được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh gắn liền với những dự án lớn, đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng làm thay đổi bộ mặt du lịch ở một số địa phương như Thanh Hóa, Bình Định…. Ông nghĩ như thế nào về những đánh giá này?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết: 15 năm phát triển của FLC chưa phải là thời gian dài, nhưng FLC đã tạo ra được những công trình ấn tượng, không chỉ làm đẹp cho đất nước, mà có ý nghĩa xã hội lớn khi giúp hàng nghìn người có việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế của những vùng đất. Đây cũng là lý do trong thông điệp kỷ niệm 15 năm thành lập và hoạt động của tập đoàn, chúng tôi lựa chọn khẩu hiệu “FLC Group - 15 năm cùng xây đất nước”.
PV: Vậy mục tiêu 15 năm tới của FLC sẽ là gì, thưa ông?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC: Chúng tôi vẫn kiên định con đường đã chọn, đó là đầu tư vào bất động sản, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp. Chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều hơn nữa những công trình có ý nghĩa cho xã hội và từng bước vươn ra khu vực và quốc tế. Tôi tin là trong 15 năm tiếp theo, FLC sẽ vẫn tiếp nối câu chuyện ở đâu có bãi biển đẹp, có tiềm năng du lịch, ở đó có dự án của FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết kiểm tra tiến độ thực hiện dự án quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long Golf Club & Luxury Resort (Quảng Ninh). |
PV: FLC được thị trường đánh giá là một trong ba nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Việt Nam. Nếu tiếp tục theo đuổi con đường này, ông có tính tới áp lực cạnh tranh?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC: Khi đầu tư, FLC lựa chọn đi vào những phân khúc trung, cao cấp, nhưng ở khu vực có tiềm năng. Đã có nhiều người băn khoăn vì sao FLC lựa chọn đầu tư vào Sầm Sơn, Thanh Hóa - nơi du lịch vốn chỉ được khai thác theo mùa; vì sao lựa chọn đầu tư vào Quy Nhơn, Bình Định - nơi mà tôi tin là trước năm 2015, cứ 10 người đến thì hơn 9 người nhận xét Bình Định rất đẹp nhưng không làm du lịch được vì nhiều lý do...
Thực tế, các dự án của FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn hút khách như hiện nay là minh chứng cho tính đúng đắn của các quyết định đầu tư mà tập đoàn thực hiện.
PV: Tham vọng đầu tư lớn như vậy, ông sẽ giải quyết bài toán sức ép về nguồn vốn như thế nào để đạt hiệu quả và tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC: Chúng tôi có kế hoạch phát triển theo lộ trình và FLC không đặt mục tiêu gia tăng vay nợ để đầu tư dự án, chúng tôi cũng không bán lại dự án của mình cho các nhà đầu tư ngoại như một số nhà báo có hỏi liệu FLC có bán lại dự án giống như tại Thái Lan giai đoạn trước.
Hiện tại, vay nợ của FLC chỉ chiếm tỷ lệ cho phép trong khi tổng giá trị tài sản các dự án mà tập đoàn làm chủ đầu tư theo đánh giá của Savills đến nay đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD. Những con số này là minh chứng rõ nhất cho việc FLC không có chủ trương lệ thuộc vào vốn vay để phát triển dự án.
Để làm được điều đó, lý do đơn giản là chúng tôi đa dạng hóa các nguồn vốn, lên phương án, hạch toán chi tiết nhu cầu vốn trước khi triển khai và làm thật nhanh, thật chắc ngay từ đầu. Thị trường ngạc nhiên vì sao FLC luôn có tốc độ thi công rất nhanh. Nếu không làm thế thì bằng cách nào chúng tôi tiết kiệm được chi phí và đẩy mạnh công tác bán hàng thu tiền về cho dự án. Tất cả, suy đến cùng đều nằm ở bài toán hiệu quả kinh tế mà thôi.
PV: Doanh nghiệp lớn thường tạo sức ép lớn cho người đứng đầu về yêu cầu quản trị và hiệu quả kinh tế. Điều này với FLC như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC: Với cá nhân tôi, có 3 vấn đề lớn trong quản trị con người: Một là tìm người phù hợp, không chỉ ở góc độ năng lực mà còn là văn hóa; Hai là giữ người tài bằng cách sắp xếp công việc, phân quyền hợp lý và cơ chế quản trị phù hợp; Ba là mọi người đối xử với nhau bằng cái tâm. Tôi cùng tập thể cán bộ nhân viên trong tập đoàn xây dựng FLC như một gia đình lớn, nơi mọi người cùng hướng tới hiệu quả công việc và mong muốn cống hiến nhằm đạt được thành tựu chung.
PV: Trong 15 năm qua, thời điểm ông cảm thấy khó khăn nhất và suy nghĩ khi đó của ông là gì?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC: Bước đi của một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường rất khó có thể kể hết lúc gặp khó khăn, cho dù đã gặp thuận lợi nhất định trên con đường kinh doanh. Tập thể cán bộ, nhân viên FLC lấy Slogan là “Vững niềm tin, bền ý chí” chính là nhận thức như thế. Chúng tôi coi mọi trở ngại chỉ là những thử thách mình cần nỗ lực vượt qua, đúng như tiêu chí mà cán bộ, nhân viên tập đoàn đã đặt ra.
PV: Chúc ông và tập đoàn FLC ngày càng thu được nhiều thành công!