Bài 1: Kỳ vọng bớt những rào cản
- Phiên chợ khởi nghiệp dành cho giới trẻ
- Tôn vinh 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc
- Khuyến khích xu hướng đầu tư khởi nghiệp
- Công bố quỹ khởi nghiệp 100 tỷ đồng dành cho giới trẻ
LTS: Dân có giàu thì nước có mạnh - cộng đồng doanh nghiệp (DN) là lực lượng nộp thuế cho nguồn thu ngân sách nhà nước hằng năm, là nhân tố quyết định sức mạnh kinh tế của đất nước.
Thế nhưng thực tế, DN đang gặp nhiều khó khăn vì cơ chế, chính sách, vì hàng trăm thứ “bà dằn” khiến họ không thể lớn nổi. Trước làn sóng hội nhập ồ ạt với cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để DN có thể tồn tại được? 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tìm mọi cách tháo gỡ cho DN.
Chuyên đề “Khởi động Năm Quốc gia khởi nghiệp” của Báo CAND sẽ nhìn lại những rào cản, những “đinh” trên con đường khởi nghiệp của DN, cũng như những góp ý thẳng thắn để cùng giúp DN phát triển.
Bức tranh xám về “sức khỏe” doanh nghiệp
Dù đã khởi động từ đầu năm, nhưng tính đến nửa đầu năm 2016, DN vẫn tiếp tục khó khãn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tãng 17% so với cùng kỳ nãm trước (cùng kỳ nãm 2015 giảm 0,9%).
Kiểm tra chuyên ngành - nỗi “khiếp đảm” của doanh nghiệp. Ảnh mang tính chất minh họa. |
Tính ra, mỗi ngày cả nước có tới hơn 200 DN giải thể, ngừng hoạt động và 36.600 DN phải rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm. Trong số 36.600 DN ngừng hoạt động, giải thể có 5.507 DN hoàn tất thủ tục giải thể, 18.916 DN tạm ngừng hoạt động không có thời hạn và 12.203 DN có thời hạn. Đó là con số trong mấy tháng đầu năm 2016, còn nhìn rộng ra, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập (hết năm 2015).
Tính đến ngày 31-12-2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
Dẫu biết rằng các DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong riêng năm 2015 là 80.000 DN.
Hiệu quả hoạt động của DN cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% DN hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn.
Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các DN còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Sau những năm sóng gió, suy giảm cả về sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, DN Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, đà hồi phục còn đang rất yếu, và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục. Năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể, có mặt giảm sút. Còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối DN phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí (chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí...) tăng lên nhanh chóng.
Doanh nghiệp đang sống như thế nào?
Đưa ra con số hơn 200 DN giải thể, phá sản mỗi ngày, với 45% DN tự chết, 58% DN ngắc ngoải, thua lỗ, không có nghĩa là cộng đồng DN Việt đang ngày càng thu hẹp. Bằng chứng là hằng tháng, con số thống kê vẫn cho thấy hàng chục nghìn DN tiếp tục “mọc” lên, bên cạnh nhiều DN đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nền kinh tế đất nước.
Một ví dụ về sự thành công của khởi nghiệp đó là DN sách Thành Nghĩa TP Hồ Chí Minh. Cách đây 10 năm, DN này khởi nghiệp bắt đầu từ một ki-ốt sách nhỏ trên đường An Dương Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh). Dù gặp không ít khó khăn, sóng gió, nhưng đến thời điểm này, với hệ thống 16 siêu thị sách bán lẻ có quy mô từ vừa đến lớn, trên cả nước, DN sách Thành Nghĩa TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những DN có thị phần sách lớn trong thị trường văn hóa phẩm cả nước.
Thế nhưng, không phải DN nào cũng may mắn như Thành Nghĩa. DN T. làm trong lĩnh vực xây dựng cho biết hiện đang đứng bên bờ vực phá sản. Đằng đẵng 8 năm vượt qua khủng hoảng, DN vẫn cầm cự được, dù không vẻ vang gì. Thế nhưng “hậu khủng hoảng”, một “tai họa” đã giáng xuống đầu DN này khi ngành Thuế vào thanh, kiểm tra.
Bình thường, bất kỳ hợp đồng nào, theo “luật bất thành văn”, phải trích cho bên A 30% giá trị hợp đồng. Những khoản tiền này, kế toán phải tìm mọi cách để mua bán hóa đơn GTGT, hợp thức hóa bằng các chiêu tiếp khách, sắm văn phòng phẩm…
Thế nhưng không phải lúc nào việc mua bán hóa đơn cũng dễ, và số tiền không dễ gì khớp được với số tiền thực. Không giải trình được, Thuế phạt 2 tỷ đồng. “Công ty chúng tôi chỉ vài chục nhân viên, thế mà nhiều tháng còn phải chậm lương. Giờ bị phạt 2 tỷ, chắc chúng tôi phá sản sớm. Chúng tôi chết không phải vì sức yếu, mà chết vì phí lót tay”, lãnh đạo công ty than thở.
Đồng tình với việc phí lót tay đang “móc túi” DN, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hafids - xóm 10, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An phản ánh thực tế rất khó tiếp cận các dự án lớn, nếu có cơ hội tiếp cận thì việc gửi giá, yêu cầu chia chác % khá phổ biến; phiền hà trong phê duyệt; thanh toán rất chậm sau khi hoàn thành dự án, ảnh hưởng đến "sức khỏe" và sự "dẻo dai" của DN.
Trong muôn vàn khó khăn khiến cho DN khó lớn nổi, kiểm tra chuyên ngành là một trong những nỗi “khiếp đảm” vì khiến cho DN tốn nhiều thời gian và chi phí.
Đại diện Công ty TNHH An Đô – một DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật bức xúc cho biết: Chỉ trong 9 tháng DN đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất một vài triệu tiền thuế, nhưng mất 8 triệu kiểm tra chuyên ngành.
Còn theo phản ánh từ Hiệp hội Dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với DN: “Một miếng vải mẫu chuyển từ nước ngoài về, chỉ 5m thôi cũng phải kiểm tra.
Trong quý I-2016, một DN có 5m vải thôi cần 138 lần đi kiểm tra theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Đấy là chưa kể một DN nhỏ mà mỗi quý đón 3-4 đoàn kiểm tra của thuế, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…”.
Tương tự, nhiều DN ta thán về việc có quá nhiều đoàn đến thanh, kiểm tra hoạt động của DN, có DN một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có đến 8 đoàn vào thanh - kiểm tra nhưng chủ yếu nhằm bắt lỗi DN chứ không phải để hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN hoạt động; thậm chí khi không bắt được lỗi thì quay ra xin tài trợ...
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Trước hết chúng ta hãy tin tưởng DN. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải phân loại được, khoanh vùng những DN có nguy cơ cao. Phát hiện rồi, nhưng DN vẫn tiếp tục sai phạm, thì cơ quan nhà nước sẽ xử lý bằng các nghiệp vụ khác nhau. Điều này là nhằm hạn chế việc thanh kiểm tra một cách thường xuyên những DN mà họ hoạt động bình thường, minh bạch. Chưa có quy định phải kiểm tra bao nhiêu lần, nhưng thanh tra nếu quá 1 lần/năm, thì DN có quyền từ chối”. |