60% nợ bảo hiểm xã hội là từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Thứ Sáu, 18/03/2016, 10:45
Theo báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội 2015 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội gửi Quốc hội, tính đến hết năm, quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp đã kết dư khoảng hơn 421,6 nghìn tỷ đồng. Hoạt động đầu tư từ nguồn tiền của quỹ này cũng đã mang lại lợi nhuận khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,9%.

Báo cáo cho biết, đến hết năm 2015, có 283.244 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, với số người tham gia khoảng trên 12 triệu người, tăng gần 613 nghìn người so với năm trước đó. Do số người tham gia tăng, nên số thu của năm cũng đạt 145.600 tỷ đồng (không bao gồm tiền phạt lãi chậm đóng), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm, nợ bảo hiểm tuy đã giảm nhẹ (1,04%) so với năm trước đó, nhưng vẫn ở mức 5.692 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng số phải thu. Đáng chú ý, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn tập trung nhiều ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm trên 60% tổng số nợ).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm đã thu hút được khoảng 225.003 người tham gia, với số kết dư 3.096 tỷ đồng. Bảo hiểm thất nghiệp đã có hơn 10,2 triệu người tham gia, tăng hơn 1 triệu người so với năm trước. Tuy nhiên, số thu vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm ước là 9.470,3 tỷ đồng, giảm 21,05% so với cùng kỳ năm 2014, do Ngân sách nhà nước không hỗ trợ trực tiếp 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo quy định của Luật việc làm từ năm 2015). Số nợ bảo hiểm thất nghiệp là 315 tỷ đồng, giảm là 228 tỷ đồng so với năm 2014. Như vậy, tính đến hết năm, 3 quỹ này kết dư khoảng 421,6 nghìn tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, số dư quỹ đầu tư của bảo hiểm xã hội đến hết năm là hơn 435 nghìn tỷ đồng, cao hơn số kết dư của các quỹ trên hơn 13 nghìn tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khi trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, con số này không có gì bất thường, bởi quỹ đầu tư bao gồm cả kết dư của Bảo hiểm Y tế. Hoạt động đầu tư đã mang về số lãi 32.000 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2014 (25.550 tỷ đồng), đạt 106,7% so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. 

Tỷ lệ tiền lãi thực thu tính trên số dư nợ đầu tư bình quân trong năm 2015 là 7,9%. Việc cho ngân sách nhà nước vay mang lại lãi 8,3%; mua trái phiếu Chính phủ lãi 9,2%; đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu lãi 9,6%; và cho các Ngân hàng Thương mại Nhà nước vay có lãi suất thấp nhất: 4,8%. Trong năm này, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ cho Ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ, giảm dần tỷ lệ cho Ngân hàng Thương mại Nhà nước vay (có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, ngân hàng không có nhu cầu vay). Tỷ lệ cho Ngân sách Nhà nước vay, mua Trái phiếu Chính phủ và đầu tư vào dự án Thủy điện Lai Châu đã chiếm 86,3% số đầu tư của quỹ, tỷ lệ cho Ngân hàng Thương mại Nhà nước vay chiếm 13,7%.

Bảo hiểm xã hội đã tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động khá hiệu quả.

Đánh giá về tình hình thực hiện, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho rằng: Ở chiều tích cực, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng lên, tốc độ tăng cao hơn so với năm 2014 (5,35% so với mức 5,16%). Với việc mở rộng đối tượng, số thu bảo hiểm xã hội cũng tăng lên (năm 2015 số thu tăng gấp gần 7 lần so với năm 2007). 

Công tác giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động được nhận định là có nhiều tiến bộ, đảm bảo đúng chính sách, thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế được nhắc đến, trong đó có việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội chưa đáp ứng được tiến độ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa được thường xuyên, số lượng còn ít. 

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng cao hơn so với năm 2014 nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Tình trạng trốn đóng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đã được tăng cường nhưng hiệu quả thu hồi tiền nợ bảo hiểm xã hội còn chưa cao. Công tác giải quyết và chi trả chế độ bảo hiểm xã hội còn gặp vướng mắc phát sinh. 

Tình trạng lạm dụng để trục lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn. Cùng với đó, việc chưa liên thông được cơ sở dữ liệu trên toàn quốc gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, không cải cách được thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người lao động và người sử dụng lao động. Một vấn đề khác cũng gây băn khoăn là chi phí bộ máy quản lý hiện nay còn lớn, với gần 7.884 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý bảo hiểm xã hội khoảng 5.351 tỷ đồng (bằng khoảng 3,67% số thu); chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp khoảng 324 tỷ đồng (bằng khoảng 3,4% số thu). 

Sang năm 2016, con số này chắc chắn sẽ phải giảm, bởi theo Nghị quyết về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào cuối tháng 12 năm ngoái, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm chỉ được 2,3% dự toán thu chi. 

Nam Phương
.
.
.