Xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm về chất lượng dự án cao tốc Bắc – Nam

Thứ Bảy, 12/11/2022, 06:20

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông báo số 474/TB-BGTVT kết luận cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Theo đó, đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án tập trung tổ chức thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 12 gói thầu (dự kiến khởi công) trước ngày 15/11/2022 để đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi ký hợp đồng xây lắp; đồng thời chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục tiếp theo để triển khai thi công vào cuối năm 2022. 

7-1.jpg -0
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam.

Các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cử cán bộ thường trực theo dõi tại địa phương, bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu (dự kiến khởi công) trước ngày 20/11/2022. Cùng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu để chọn được nhà thầu mạnh, có năng lực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu. Giám đốc các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng bán thầu và các vấn đề tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu.

Với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1, từ nay đến cuối năm 2022, thời gian chỉ còn 2 tháng, khối lượng công việc còn lại rất lớn, đặc biệt là phải hoàn thành dự án thành phần Cam Lộ-La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành các hạng mục trên tuyến chính của dự án Cam Lộ-La Sơn trong tháng 11/2022; hoàn thành các hạng mục còn lại và hoàn thiện các thủ tục để khánh thành đưa vào khai thác trong tháng 12/2022.

Ban quản lý dự án Thăng Long và Ban quản lý dự án 7 kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công bảo đảm thông xe kỹ thuật các dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây trước ngày 31/12/2022. Các Ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu; các đơn vị tư vấn kịp thời xử lý vấn đề phát sinh bảo đảm không đình trệ thi công vì chưa có hồ sơ thiết kế xử lý.

Ngoài ra, đơn vị đại diện chủ đầu tư phải rà soát chặt chẽ để xem xét rút ngắn thời gian thanh toán, đơn giản hóa các thủ tục giải ngân, bảo đảm đúng quy định pháp luật để sớm thanh toán kịp thời cho các nhà thầu, không để thiếu vốn phục vụ thi công. Các Ban quản lý dự án còn được giao tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ theo cam kết, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm về chất lượng, tiến độ đúng quy định hợp đồng và xem xét không cho tham gia các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.

Cũng trong ngày 10/11, Đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã có buổi làm việc về tình hình triển khai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (hay còn gọi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Báo cáo với Thứ trưởng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong đó, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có 1 gói thầu, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 hơn 36km tuyến chính, đạt 96% và hơn 1km tuyến nối, đạt 13%. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 51km tuyến chính, đạt 71%. Dự kiến trong tháng 11, các địa phương sẽ tiếp tục phê duyệt thêm khoảng 1km tuyến chính đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, khoảng 15km tuyến chính của đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Về nhu cầu tái định cư, ông Thi cho biết, dự kiến có khoảng 970 trường hợp, bố trí tại 8 khu, trong đó có 5 khu xây mới và 3 khu có sẵn. Các khu xây mới, địa phương đã bổ sung quy hoạch và hiện đang triển khai các thủ tục lập dự án đầu tư.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá, tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP Cần Thơ hiện không đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ. Cụ thể, việc triển khai phê duyệt phương án bồi thường và tiến độ chi trả của địa phương hiện đang rất chậm. Từ đó, chủ đầu tư kiến nghị, địa phương khẩn trương phê duyệt phương án và chi trả trong tháng 11/2022. Đối với Cà Mau, kế hoạch bàn giao mặt bằng trước 30/5/2023, do đặc thù khu vực Cà Mau địa chất rất yếu, cần nhiều thời gian xử lý. Do đó đề nghị Cà Mau phấn đấu bàn giao mặt bằng phần còn lại trước 31/1/2023.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu hai địa phương này cần tập trung, quyết liệt, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB, tối thiểu phải bàn giao được 70% mặt bằng cho dự án vào ngày 20/11. Thứ trưởng cũng lưu ý, việc xây dựng khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần lên phương án kế hoạch kỹ lưỡng, làm sao đồng bộ cùng công tác GPMB để dự án triển khai theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn cho rằng, 2 yếu tố quyết định đến tiến độ dự án đó là công tác GPMB và nguồn vật liệu cát. Đề nghị các địa phương phối hợp cùng các tỉnh có mỏ cát lớn hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án.

P.Huyền
.
.
.