Thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt: Cần làm ngay!

Nhộn nhạo mở điểm trông giữ xe, giá cả bát nháo (kỳ 1)

Thứ Ba, 26/03/2024, 07:57

Nhiều năm nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn xuất hiện các điểm trông giữ xe trái phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và thu tiền cao hơn giá quy định. Thậm chí, vào những dịp lễ, Tết, các điểm tự phát “chăng dây thu tiền” sẵn sàng “chém đẹp” người gửi xe gấp nhiều lần mức giá quy định. Vấn nạn này đã gây bức xúc cho người dân, thất thoát ngân sách và khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác.

Xử lý 912 trường hợp vi phạm

Hiện tại, giá trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội áp dụng theo mức phí dịch vụ chi tiết được quy định tại Phụ lục giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn TP Hà Nội (Ban hành hèm theo quyết định 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP Hà Nội). Cụ thể: Giá gửi xe ban ngày và ban đêm lần lượt với xe đạp từ 3.000 đồng - 5.000 đồng; xe máy là 5.000 đồng - 8.000 đồng/lượt; ôtô tăng từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, việc thu quá giá, không vé vẫn thường xuyên diễn ra dù đã có nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng dẹp vấn nạn này. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện nhưng tình trạng “chặt chém” vẫn không được xử lý triệt để.

Nhộn nhạo mở điểm trông giữ xe, giá cả bát nháo (kỳ 1) -0
Nhiều lòng đường ở các khu đô thị trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị biến thành điểm trông giữ phương tiện trái phép.

Chăm người nhà đang điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Đức, chị Lê Thị Mai (quận Long Biên) muốn gửi xe qua đêm. Hỏi nhân viên trông xe ở vỉa hè ngay sát cổng vào số 8 phố Phủ Doãn, chị được hướng dẫn cứ để dưới lòng đường sát vỉa hè đối diện, cụp gương xe, không có vé xe. Sáng hôm sau, khi xuống xe, chị được thông báo mức giá 300.000 đồng. Tưởng nghe nhầm, chị hỏi lại thì nhận được câu trả lời: “Thôi, chị đưa 270.000 đồng cũng được”. Vì không có vé nên số tiền chị Mai phải trả đương nhiên sẽ vào túi ai đó chứ không được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Điều đáng nói, trường hợp gửi xe không được phát vé xe, thu quá giá như chị Mai không phải là trường hợp cá biệt, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

Ngay vào thời điểm trước giao thừa Tết Nguyên đán vừa qua, các tổ công tác Công an quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố quanh hồ Gươm để kịp thời phát hiện các sai phạm. Đội CSGT và trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử lý nhiều trường hợp hàng quán lấn chiếm vỉa vè, điểm trông giữ phương tiện tự phát thu quá giá quy định gấp 6 lần. Điển hình như trường hợp nhóm bảo vệ có hành vi tự lập điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè khu vực tòa nhà Tổng Công ty Du lịch Hà Nội ở đầu phố Bà Triệu, thu phí trông xe máy là 50.000 đồng/lượt. Công an quận Hoàn Kiếm đã đề xuất thu hồi 5 giấy phép trông giữ phương tiện tại số nhà 8-20 phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền cấp cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và đầu tư T.O.T; tại số nhà 9-25 phố Lý Thái Tổ cấp cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Kiên; số nhà 2,8 phố Phủ Doãn cho hộ kinh doanh Nguyễn Bá Bình; số nhà 22,22b phố Hai Bà Trưng cho Công ty Đầu tư Gia Khánh; vỉa hè khu vực tượng đài cảm tử phía hè phố Hàng Dầu cấp cho Công ty Cổ phần Đồng Xuân.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 183 điểm trông giữ, phương tiện không phép. Số điểm vi phạm này tập trung nhiều tại những quận như: Hoàng Mai (56 điểm), Hoàn Kiếm (26 điểm), Cầu Giấy (30 điểm), Nam Từ Liêm (30 điểm). Nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát các điểm trông giữ xe “lậu” trên được Công an TP Hà Nội nêu là do hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố chưa đáp ứng so với nhu cầu của phương tiện giao thông, việc tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè để làm nơi trông, giữ phương tiện còn hạn chế, chưa có quy định cụ thể.

Một số điểm trông, giữ phương tiện tại các khu vực đất dự án chưa triển khai xây dựng, đất xen kẹt, đất trống trong khuôn viên chưa được quy định cụ thể dẫn đến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Vi phạm trông giữ, phương tiện không phép thường xảy ra vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện văn hóa, âm nhạc, thời điểm lượng người và phương tiện tập trung lớn dẫn đến quá tải tại các địa điểm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu tiền trông giữ, phương tiện không đúng quy định. Thống kê của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho thấy, các đơn vị của Công an TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý 912 trường hợp vi phạm “chiếm dụng lòng đường đô thị, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện”, với số tiền phạt là hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó, riêng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phát hiện, xử phạt 191 trường hợp với số tiền phạt là 691 triệu đồng.

Nhộn nhạo mở điểm trông giữ xe, giá cả bát nháo (kỳ 1) -0
Nhiều lòng đường ở các khu đô thị trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị biến thành điểm trông giữ phương tiện trái phép.

Thất thu ngân sách và những hệ lụy tiềm ẩn

Báo cáo mới đây của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, các điểm, bãi đỗ công cộng trên địa bàn mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Còn lại khoảng 90% nhu cầu đang đỗ xe tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai; khu đất trống trong khuôn viên các khu tập thể cũ; tại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên… Hiện nay, dân số của TP Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại TP). Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, lực lượng CSGT đã đăng ký mới 230.998 phương triện, trong đó có hơn 56.000 xe ôtô. Đến thời điểm này, tổng số phương tiện quản lý là 8.026.902 phương tiện, trong đó có 1.111.983 ôtô, hơn 6 triệu xe mô tô và hơn 187.000 xe máy điện…

Trong 3 năm từ 2021-2023, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích là 37.985m2 để trông giữ xe tạm thời dưới lòng đường. Theo rà soát, 17 UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép sử dụng tạm thời để trông giữ xe trên hệ thống vỉa hè, lòng đường khoảng 422 điểm đỗ với diện tích 93.300m2... Đáng chú ý, tổng số tiền thu phí 3 năm thuộc Sở GTVT quản lý là 134 tỷ đồng; UBND cấp huyện đã cấp phép trông giữ xe cho 61 doanh nghiệp trông giữ xe ôtô và 256 doanh nghiệp trông giữ xe máy, xe đạp với tổng số phí thu được là 114 tỷ.

Nhìn vào số tiền thu được từ dịch vụ trông giữ xe trên toàn TP và con số 183 điểm trông giữ xe trái phép có thể thấy, nhà nước đang thất thu một khoản tiền rất lớn, còn người dân, doanh nghiệp làm ăn chính đáng cũng bị chịu thiệt. Dư luận đặt câu hỏi, nguồn thu từ những bãi trông giữ xe trái phép, thu quá giá quy định tại các bến, bãi được cấp phép chảy vào túi ai, liệu có lợi ích nhóm trong hoạt động này hay không. Thậm chí, hoạt động này còn tiềm ẩn những nguy cơ nảy sinh tội phạm, tranh chấp, đâm chém nhau giữa các ổ nhóm tội phạm. Trên thực tế, Công an TP Hà Nội đã xử lý nhiều vụ án gây rối trật tự công cộng, giết người vì tranh chấp bãi, bến trông giữ xe…

Để chống thất thoát, minh bạch về quản lý hoạt động trông giữ xe (minh bạch về phí, giá), ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các điểm trông giữ xe “lậu”, theo ông Nguyễn Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2017-2020, Hà Nội đã thí điểm ứng dụng công nghệ tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe ôtô qua điện thoại di động (iParking). Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết: dự án chưa được phê duyệt, ứng dụng chưa kiểm soát được xe ra, xe vào, chưa phản ánh đúng doanh thu giá dịch vụ trông giữ xe dẫn đến ảnh hưởng đến công tác thu phí theo quy định... Và sau 3 năm thí điểm, iParking đã dừng từ ngày 1/9/2020. Hà Nội trở lại cách thu phí sử dụng lòng đường tính theo m2 để xé vé thủ công dù nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này thể hiện sự tụt hậu, đi ngược với mục tiêu xây dựng TP thông minh. Mặt khác, nguồn thu ngân sách dễ thất thoát do hình thức thanh toán thủ công, hệ lụy xã hội tiếp tục nảy sinh, tiềm ẩn.

Ông Bảo cho biết, hiện nay, Sở GTVT được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn TP (trong đó việc áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động trông giữ là một nội dung). “Trong 10 tính năng của hệ thống giao thông thông minh có 1 tính năng thu phí thông minh bao gồm từ tìm kiếm đến thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe. Sở GTVT đã nghe 3 đơn vị (Viettel, VNPT, FPT) báo cáo phương án giải pháp và từ đầu năm 2024 đến nay, Sở GTVT đã nhận được đề nghị về việc thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động trông giữ xe tạm thời dưới lòng trên các tuyến phố được cấp phép”, ông Bảo thông tin.

Ngọc Yến – Hoàng Phong
.
.
.