Nhiều học sinh phải chuyển trường vì phụ huynh khiếu kiện học phí

Thứ Hai, 08/11/2021, 08:26

Mới đây, 3 phụ huynh học sinh (PHHS) có con em học tại Trường Quốc tế Á Châu, TP Hồ Chí Minh tiếp tục có đơn xin cứu xét lần thứ 2, gửi tới lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh xin can thiệp làm sáng tỏ việc 6 học sinh là các con của mình bị nhà trường từ chối nhận vào học năm học 2021-2022 vì đã không đồng thuận với kế hoạch của nhà trường và làm đơn khiếu nại đi khắp nơi.

Như Báo CAND trước đó đã có bài phản ánh, vào cuối tháng 5/2021, tại trường Quốc tế Á Châu đã xảy ra sự việc trên 1.000 PHHS cùng ký vào đơn đề nghị nhà trường xem xét miễn giảm mức học phí trong đợt dịch COVID-19. Các PHHS cho rằng vì mức tăng quá cao so với các năm học trước.Việc ký đơn tập thể với mong muốn nhà trường chia sẻ chút ít về kinh tế do các gia đình bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, mong muốn của phụ huynh chưa được giải quyết thấu đáo, vụ việc còn dừng lại đó thì đột ngột 3 PHHS gồm: V.T.N, N.L.H, và N. T. N. T. nhận được thư trả lời của nhà trường từ chối nhận học phí năm học 2021-2022. Đồng nghĩa với việc 6 học sinh là con em của các PHHS này không được nhận vào học.

Nhiều học sinh phải chuyển trường vì phụ huynh khiếu kiện học phí -0
Trường Quốc tế Á Châu.

Bức xúc với cách hành xử của phía nhà trường, từ tháng 6/2021 tới nay, các PHHS này đã 2 lần gửi đơn xin cứu xét tới Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và Bộ GD-ĐT.

Cho tới thời điểm hiện tại, phía trường Á Châu vẫn hoàn toàn không thu xếp cho PHHS một cuộc gặp mặt nào. Dù Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị nhà trường thu xếp giải quyết đơn của PHHS nhưng nhà trường vẫn vẫn giữ nguyên quyết định từ chối nhận học phí, trả lại hồ sơ 6 học sinh. Để việc học tập của các con không bị gián đoạn, các PHHS đã phải xin chuyển trường cho con.

 Việc “xung đột” giữa phụ huynh với trường quốc tế về vấn đề học phí xảy ra tại một số trường quốc tế thời gian gần đây và có tình trạng kéo dài, khó giải quyết. Mới đây phụ huynh tên L.D có con học tại trường quốc tế AIS (Việt Nam Australia International School) đã có đơn gửi tới Bộ GD-ĐT và nhà trường kiến nghị về cách đối xử của nhà trường trong việc thu học phí mùa dịch. Ông L.D cho rằng nhà trường này đã tăng học phí vào lúc dịch COVID-19 là sự vô lý và “vô cảm”. 

Chị V.T.N cho hay, chính vì cách hành xử thiếu nhân văn của nhà trường mà đã có rất nhiều PHHS trường Quốc tế Á Châu đợt rồi quyết định chuyển cho con đi học trường khác.

Anh N.H.Q là một trong số những phụ huynh cũng có con bị Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc từ chối tiếp nhận ở năm học trước. Anh cho biết sau khi chuyển ra trường công, giai đoạn đầu, con anh rất buồn, một phần vì học ở trường mới không có bạn và một phần do tâm lý mặc cảm vì mang tiếng bị nhà trường cho thôi học.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giáo dục nói, việc khiếu kiện qua lại giữa phụ huynh với nhà trường rồi dẫn tới việc học sinh không được tiếp tục theo học, bao giờ cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của học sinh. Tuy nhiên, việc cho con theo học tại một ngôi trường tư giống như phụ huynh cam kết trong một hợp đồng có các điều khoản rõ ràng. Nếu bên này không đáp ứng, bên kia có quyền ngừng cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu và ngược lại.

Tuy nhiên, dù việc khiếu kiện thắng hay thua thì người tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Việc nhà trường “lạnh lùng” không tiếp nhận trẻ vào học còn có thể gây một tâm lý không tốt đi theo suốt cuộc đời của một học sinh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm và đời sống của toàn bộ dân cư, nhất là công nhân, người lao động ngoại tỉnh có con em đang học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong thời gian qua có rất nhiều PHHS có con học ở trường tư do không kham nổi học phí mà đành phải chuyển trường cho con...

Xoay quanh chuyện cho con đi hay ở lại của PHHS, Th.S Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng thật lớn tới việc học tập, giảng dạy của các trường. Nhiều tháng học trò phải học trực tuyến. Ở đây có khác chăng là mức học phí, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn, ở trường tư, để “chạy vạy” vài chục triệu đóng học phí hàng tháng cho con xem ra khó vô cùng.

Trong khi trường công chỉ vài trăm ngàn thôi. Phụ huynh có điều kiện chọn trường tư cho con thì cũng chỉ mong muốn con có: Môi trường mở, thích các hoạt động giáo dục rèn kĩ năng hoạt bát, thích cách quản lý học sinh, chế độ dinh dưỡng và các hoạt động trải nghiệm... Nên rất nhiều trường cứ đầu tháng 7 là thu học phí trọn năm học kế tiếp và cũng phải nói học phí trường tư không có mức trần. Vấn đề nữa đặt ra ở đây phụ huynh trường tư khó lòng chấp nhận dạy trực tuyến mà thu học phí theo hình thức dạy trực tiếp, một số trường vừa qua đã gây áp lực lên phụ huynh là không cho nhập học lại, cái khó của phụ huynh là đã đóng học phí bị giữ tiền trước không có thể tranh cãi được.

Tuy nhiên bài toán đặt ra ở đây không phải là trường tư, không phải là phụ huynh mà chính là cần giải quyết được 3 nội dung. Đó là cần quy định mức thu học phí dạy trực tuyến và dạy trực tuyến với giáo viên bản ngữ như thế nào để hợp tình và hợp pháp cho học sinh có chỗ học. Vấn đề nữa là để chuyển trường từ tư thục sang công lập trong nghịch cảnh giải quyết ra sao, nếu cứng nhắc thì sẽ dẫn tới việc phụ huynh phải cho con nghỉ học. Mà để học sinh bỏ học ra đời sớm là một gánh nặng lớn cho xã hội.

Ngoài ra, qua đợt dịch này cho thấy, ngành giáo dục cần quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu xét tuyển lớp 10 năm học 2021-2022 để học trò nghèo có chỗ học, nếu học trường tư, PHHS không có tiền cho con đi học. “Giải quyết 3 bài toán trên là vì quyền lợi của trẻ theo tôi cần được chú trọng, xã hội an tâm, đúng tâm đức của người làm giáo dục "vị nhân sinh"- thầy Phú nhấn mạnh.

Huyền Nga
.
.
.