Người dân Thủ Thiêm chờ “hồi kết” thấu tình, đạt lý

Thứ Bảy, 06/07/2019, 10:19
Được sự vận động của Ban Tiếp công dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ cùng đại diện chính quyền TP Hồ Chí Minh, đến chiều 5-7, đại diện 28 hộ dân Thủ Thiêm đang tập trung khiếu nại đông người tại Hà Nội đã cùng quay trở về TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 3-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã có văn bản “khẩn” gửi Thanh tra Chính phủ và Ban Tiếp công dân Trung ương kiến nghị các cơ quan này giúp hỗ trợ, giải thích, thuyết phục để các hộ dân đồng ý quay về địa phương. Thành phố cử Chủ tịch UBND quận 2 làm tổ trưởng để phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương vận động bà con.

Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương vào ngày 4-7, các hộ dân Thủ Thiêm đã đồng thuận việc quay về thành phố trước thông tin thành phố sẽ tổ chức tiếp dân, đối thoại để làm rõ nội dung người dân đang khiếu nại vào cuối tháng 7 này.

Sau nhiều năm được giải tỏa trắng, nhiều khu đất tại Thủ Thiêm vẫn để cỏ mọc hoang hóa.

Sau 2 Thông báo Kết luận thanh tra và Thông báo Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về những vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có những bước triển khai việc rà soát để hỗ trợ cho người dân. Song đến thời điểm này, những người dân bị giải tỏa phục vụ Dự án KĐTMTT vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ về vật chất nào từ phía chính quyền thành phố.

Do đó, số hộ dân Thủ Thiêm tập trung khiếu nại đông người kéo dài vẫn còn lên đến 115 hộ; số hộ dân tiếp tục theo đuổi việc khởi kiện các quyết định cưỡng chế thu hồi đất, quyết định tháo dỡ nhà ở và quyết định di dời dân cư của UBND quận 2 ra TAND quận 2 cũng còn đến vài chục hộ.

Đồng thời, từ khi UBND quận 2 phát hành mẫu đơn xin cứu xét để lấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân Thủ Thiêm, số lượng đơn thư khiếu nại, phản ánh được người dân ở đây gửi tới UBND quận 2 đã lên tới con số gần 5 ngàn.

Theo phản ánh của nhiều người dân Thủ Thiêm, sau khi được lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống nơi tạm cư để vận động, đã có vài chục hộ dân đồng ý chuyển từ khu tạm cư là nhà tạm đã xuống cấp lên tạm cư tại chung cư. Hiện khu tạm cư là nhà tạm xập xệ này vẫn còn khoảng 10 hộ đang ở lại.

Là người đã phải ở khu tạm cư dột nát 6 năm, ông Nguyễn Chấn Hùng, một người dân Thủ Thiêm cho biết, gia đình ông đã chuyển lên tạm cư trong chung cư cả năm nay. Nhưng đây chỉ là việc thay đổi về chỗ ở tạm thời cho bớt khổ hơn, chứ địa phương chưa hề có tính toán hay quyết định nào đối với hộ của ông.

Trưng ra xấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc nhà, đất, bà Lê Thị Bảy cho biết với 354m2 đất và căn nhà có diện tích 98m2 ở số 460/19, khu phố 2, phường An Lợi Đông bị cưỡng chế thu hồi vào năm 2010, nhưng bà chỉ được bồi thường 313 triệu đồng. Không đủ điều kiện để được hưởng suất tái định cư, bà Bảy chỉ được bố trí tạm cư ở khu nhà tạm cư tạm bợ. Số tiền không đủ mua lại vài chục mét vuông đất, bà Bảy đã nhất quyết không nhận đền bù.

Không thể sống được ở khu tạm cư xuống cấp, gần chục năm nay bà Bảy đã phải cơ cực đi thuê nhà, buôn bán kiếm sống sống lay lất và tiếp tục khiếu nại. Trường hợp các anh chị em của Bà bảy sống cùng thửa đất trên cũng chịu cảnh tương tự dù các thế hệ của gia đình bà đã có quá trình sinh sống tại Thủ Thiêm hơn trăm năm, có thân nhân là liệt sĩ từ thời chống Pháp được sinh ra ở Thủ Thiêm.

Lý do khiến số tiền bồi thường vài trăm mét vuông đất và căn nhà của bà Bảy cũng như của các anh chị em bà đang sống chung trong khu đất do gia tộc để lại không đủ mua lại được nửa nền đất, bà Bảy cho hay là do địa phương xác định đất ở thành đất nông nghiệp; không áp dụng Luật Đất đai 2003 dù thời điểm thu hồi đất của gia đình bà là vào tháng 6-2010. 

Thời điểm này, một trong vài chục hộ dân đã có quá trình 7-8 năm theo đuổi việc khởi kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất, quyết định tháo dỡ nhà ở và quyết định di dời dân cư của UBND quận 2 ra TAND quận 2 là ông Phạm Thế Vinh, một người dân ở phường Bình An.

Ông Vinh cho biết, đến ngày 25-6 vừa qua, ông vẫn được TAND quận 2 mời lên để giải quyết vụ án nhưng với lý do đại diện địa phương vắng mặt, phiên xét xử tiếp tục bị hoãn. Trước đó, đơn khởi kiện của ông Vinh và một số hộ dân đã từng bị TAND quận 2 bác, chỉ đến khi TAND thành phố có văn bản yêu cầu TAND quận 2 phải tiếp nhận đơn, giải quyết vụ việc, đơn khởi kiện của người dân mới được tòa thụ lý.

Theo bà Trần Thị Mỹ, một người dân đang tái định cư tại chung cư trên đường Vũ Tông Phan - quận 2, việc khiếu nại của người dân kéo dài đến nay nổi lên những vấn đề, như: ranh khu đất 4,3 ha đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm là ở đâu; 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh có nằm trong ranh quy hoạch KĐTMTT hay không; 160 ha đất dành tái định cư cho người dân hiện nằm ở đâu và vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân như thế nào?

Do đó, để có thể giải quyết một cách thấu tình, đạt lý cho người dân, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục có những buổi đối thoại thẳng thắn với người dân Thủ Thiêm để làm rõ những nội dung người dân đã và đang tập trung khiếu nại kéo dài.

Đ.Thắng
.
.
.