Loay hoay xử lý hàng trăm công sở bỏ hoang ở TP Hà Tĩnh

Thứ Hai, 10/04/2023, 08:10

Trong nhiều năm trở lại đây, tại TP Hà Tĩnh và một số địa phương như thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ có hàng trăm công sở của địa phương và các ban, bộ ngành Trung ương đóng chân trên địa bàn, sau khi chuyển đến nơi làm việc mới đã bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị. Chính quyền đã nỗ lực tìm phương án giải quyết nhưng đến nay vẫn đang thực sự bế tắc.

Trụ sở cũ án ngữ đất vàng, bỏ hoang giữa phố

Gần 10 năm nay, người dân sinh sống trên tuyến phố Phan Đình Phùng, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cảm thấy chướng mắt, thậm chí tâm lý lo sợ, bất an khi trụ sở Sở NN&PTNT tỉnh án ngữ tại vị trí trung tâm của tuyến đường này đã bỏ hoang từ nhiều năm nay, có dấu hiệu hoang hóa, xuống cấp nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển cho đơn vị khác có nhu cầu. Theo đó, từ năm 2015, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chuyển về trụ sở mới trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, toàn bộ cơ sở vật chất cũ trên đường Phan Đình Phùng bỏ hoang.

Điều đáng nói, trụ sở cũ này nằm ở vị trí đắc địa, giáp hai mặt tiền các tuyến phố sầm uất nhất thành phố là Phan Đình Phùng và Nguyễn Huy Tự. Ngoài ra, đối diện khu đất này là công viên Lý Tự Trọng, bên cạnh là Trường THPT Phan Đình Phùng nên việc trụ sở này hoang hóa, nhếch nhác trong suốt gần chục năm qua đã khiến cho nhân dân bức xúc, phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân nhưng không được quan tâm, xử lý.

7-tru.jpg -0
Trụ sở cũ của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh bỏ hoang, nhếch nhác nhiều năm qua.

Tương tự, đối diện với quảng trường trung tâm TP Hà Tĩnh, nơi tập trung nhiều cơ quan đoàn thể của tỉnh như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh… từ nhiều năm nay, Nhà khách Hương Sen - biểu tượng nghỉ dưỡng một thời của Hà Tĩnh cũng trong tình trạng bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp, hết sức nhếch nhác. Cùng chung tình trạng này, trên địa bàn TP Hà Tĩnh còn có trụ sở cũ của các cơ quan như Báo Hà Tĩnh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Trung tâm Da liễu tỉnh và hàng loạt trụ sở của các cơ quan, đơn vị như trụ sở cũ Cục Thống kê tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội thành phố, trụ sở Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh… tất cả các công sở này đều nằm ở vị trí đắc địa, có diện tích hàng nghìn mét vuông mỗi đơn vị, nhưng từ sau khi được đầu tư xây dựng trụ sở mới, chuyển đến vị trí khác để hoạt động thì trụ sở cũ đã bị bỏ hoang, gây lãng phí đất vàng và làm mất mỹ quan, đô thị nhưng nhiều năm trôi qua chưa được xử lý.

Cũng không riêng gì tại TP Hà Tĩnh, ở một số địa phương như huyện Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh, nhiều đơn vị cũng trong tình trạng hoang hóa từ sau khi chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đến nơi hoạt động mới. Theo đó, tại huyện Đức Thọ, cơ sở nhà đất trường THCS Hoàng Xuân Hãn cũ, với diện tích lên đến hàng chục hecta nhưng gần chục năm nay cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài sau sáp nhập. Đối với cơ sở này, cuối năm 2019 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao cho huyện Đức Thọ thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vướng Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công nên việc bán tài sản phải dừng lại từ đó cho đến nay. Cũng tại địa phương này, còn có các trụ sở thuộc khu vực đất Lương thực cũ, đất Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh, Trung tâm Y học cổ truyền, Trường dạy nghề cũ… cũng thuộc diện sắp xếp, xử lý nhưng nhiều năm trôi qua vẫn trong tình trạng giẫm chân tại chỗ. Tại thị xã Hồng Lĩnh, hiện có 8 khu đất bám quốc lộ của các đơn vị của Công ty Đường bộ số 1, Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc và khu vực chợ cũ Hồng Lĩnh, thuộc diện thu hồi, sắp xếp lại nhưng cũng như tại nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh, loay hoay tìm cách xử lý nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa tìm được phương án thích hợp.

Loay hoay tìm cách xử lý

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, một lãnh đạo cấp huyện tại Hà Tĩnh cho biết, đối với quá trình xử lý những công sở cũ này, về trình tự các bước quản lý, lập phương án đấu giá đất sau thu hồi rất dài, đòi hỏi nhiều thời gian. Quá trình thực hiện, nếu phát sinh công việc phải thuê tư vấn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập chủ trương đầu tư Dự án nhà ở, xác định giá đất cụ thể sau đó mới trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí, lập hồ sơ mời thầu, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu…

Ngoài ra, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục như đánh giá, xác định giá trị tài sản còn lại trên đất; xác định giá đất cụ thể, đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trong cả nước do các văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục chuyên môn chưa rõ ràng, rất dễ vi phạm pháp luật dù không cố ý. Bên cạnh đó, một số khu đất sau khi thu hồi thì bố trí vào mục đích khác, như từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở hoặc đất thương mại. Trong khi đó, về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng lại không phù hợp, đòi hỏi phải trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch trước khi trình phương án sử dụng đất. Đó là chưa kể đến, nhiều cơ quan, đơn vị, mặc dù đã tiến hành xây dựng trụ sở ở những nơi mới, nhưng vẫn muốn giữ lại khu đất cũ, không chịu bàn giao cho chính quyền địa phương, cũng không quản lý, bảo vệ khiến cho công trình bị xuống cấp, hoang phế, đất đai bị lãng phí.

Về hướng giải quyết, theo ông Trịnh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP và các quy định liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch liên quan. Đối với việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tổ chức theo hình thức đấu giá. Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 5.330 cơ sở nhà, đất (gồm 302 các khối cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh; 4.884 cơ sở cấp huyện, thành phố, thị xã và 144 cơ sở thuộc khối doanh nghiệp), với tổng diện tích đất hơn 223 triệu mét vuông, tổng diện tích sàn xây dựng xấp xỉ gần 4.000m2 thuộc diện phải sắp xếp lại.

Từ đó đến nay, mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo cụ thể, thường xuyên đôn đốc song một số sở, ban nghành, địa phương như Sở Y tế, huyện Can Lộc, Nghi Xuân… vẫn chưa quyết liệt, tập trung triển khai theo phương án đã được phê duyệt, đặc biệt là việc thực hiện bán đấu giá tài sản còn chậm. Hiện, toàn tỉnh còn 35 trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cần phải rà soát, xử lý như các cơ sở nhà đất thuộc Bộ Quốc phòng, BHXH Việt Nam, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bưu điện tỉnh, Viện KSND Tối cao, Bộ KH&ĐT… các cơ sở này hiện không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang lâu ngày. Từ năm 2019 đến nay, chỉ mới có 17 trụ sở làm việc được tỉnh Hà Tĩnh đề xuất điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý và sử dụng.

Một số trụ sở, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt thu hồi, sắp xếp lại để chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng nhưng quá trình triển khai lại vướng các quy định của pháp luật. Đến nay, chỉ duy nhất đơn vị trụ sở cũ của Tỉnh đoàn là đã tổ chức bán đấu giá thành công, đơn vị trúng thầu hiện đang xây dựng dự án khách sạn. Đối với các đơn vị khác như trụ sở cũ của Sở NN&PTNT, mặc dù đã được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, thu hồi tài sản công, hình thức xử lý là bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá để cho thuê với thời hạn sử dụng 50 năm. Tuy nhiên, quá trình xác định giá đất cụ thể để tổ chức đấu giá, Sở Xây dựng cho rằng, trụ sở của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh nằm kế bên cũng chuẩn bị chuyển đến nơi làm việc mới, nên trước mắt chưa xem xét việc thực hiện đấu giá khu đất trụ sở cũ Sở NN&PTNT, chờ khu đất bên cạnh trả về tỉnh thì tổ chức quy hoạch, đấu giá một lần. Do đó, khu đất này tạm thời chưa triển khai các trình tự, thủ tục để tổ chức đấu giá.

Thực trạng này cũng là tình trạng chung của các trụ sở cũ của các đơn vị như Nhà khách Hương Sen, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, trụ sở Báo Hà Tĩnh… Mặc dù UBND tỉnh đã có các quyết định thu hồi đất, thu hồi tài sản nhưng khi tiến hành bán đấu giá thì vướng quy định pháp luật, vướng quy hoạch nên loay hoay chuyển đổi, bàn giao từ đơn vị này sang đơn vị kia để quản lý, sử dụng nhưng không phát huy hiệu quả. Thậm chí, dù không hoạt động nhưng nhiều công sở cơ quan chủ quản vẫn phải bỏ kinh phí ra để trùng tu, bảo dưỡng hằng năm.

Thiên Thảo
.
.
.