Hoạt động từ thiện - căn chỉnh đạo đức và pháp lý

Thứ Bảy, 25/12/2021, 08:56

Hoạt động từ thiện là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát huy, lan toả, nhất là việc giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, chưa có thời điểm nào, việc làm từ thiện, đặc biệt là việc huy động từ thiện của các cá nhân lại đứng trước nhiều vấn đề nổi cộm như hiện nay.

Đó là những lùm xùm, nghi vấn sự không minh bạch của một số cá nhân, nghệ sỹ, những khuất tất ở một số cấp chính quyền, mặt trận, cùng với đó là hành vi lợi dụng từ thiện để lừa đảo… Người dân có tấm lòng nhân ái, muốn làm từ thiện nghi ngờ tính xác thực của người kêu gọi từ thiện, người thường xuyên làm từ thiện lại ái ngại, không dám làm vì sợ thị phi. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội và được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua.

6-1.jpg -0
Hoạt động từ thiện là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nhóm phóng viên Báo CAND thực hiện loạt chuyên đề này nhằm chuyển tải góc nhìn đa chiều, khách quan về công tác từ thiện, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ; chuyển tải thông điệp từ người dân vùng thiên tai, khắc nghiệt; việc điều tra, làm rõ sự thật cũng như ngăn ngừa các luận điệu sai trái, lệch lạc, từ đó có giải pháp uốn nắn cả về đạo lý và pháp lý.

Bài 1: Từ thiện - truyền thống và những tác động tới lòng tin

Truyền thống nhân ái của dân tộc ta đã thấm đẫm bao thế hệ người con đất Việt. Càng trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần ấy càng lan tỏa mạnh mẽ. Khi bất kỳ một địa phương nào, một cá nhân nào trên mảnh đất hình chữ S gặp cảnh đau thương, thiên tai dịch bệnh, lúc đó rất nhiều tấm lòng, rất nhiều cánh tay ấm áp đã mở ra. Nhiều mảnh đất hồi sinh, nhiều phận đời đã được hướng sáng nhờ vòng tay rộng mở của những tấm lòng nhân ái.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những bất cập, tiêu cực từ hoạt động từ thiện đã khiến lòng tin của xã hội bị giảm sút. Việc trục lợi của một số cá nhân từ hoạt động từ thiện đã khiến người dân nghèo, cùng khổ bị san bớt bát cơm, những người có tấm lòng từ tâm thì hoang mang, không biết gửi gắm từ thiện về nơi nào để đến được tận tay những người cần nhận…

Phân bổ tiền cứu trợ: Nơi cắt xén, nơi ưu ái

Dải đất miền Trung dường như là cái rốn hứng chịu những khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ. Thương lắm miền Trung! Sau những trận mưa lũ, người dân nhà cửa tan hoang, cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Rất nhiều chuyến từ thiện, cứu trợ đã được các cấp, các ngành phát động và gửi tới cho chính quyền các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, việc chính quyền cấp thôn, cấp xã phát tiền cứu trợ về cho người dân cũng có nơi, có lúc không đúng, sai chủ trương, tiền cứu trợ lại rơi vào những người không đúng tiêu chuẩn, người khó khăn thì bị cắt xén…

Vào tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn và bà Phan Thị Hoài, cán bộ địa chính, nông nghiệp của xã Khai Sơn. Theo hồ sơ vụ việc, giữa năm 2020, xã Khai Sơn bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, nắng nóng và mưa lớn, ngập lụt (do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9) khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Trong tờ trình UBND xã Khai Sơn đề nghị hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để khắc phục thiên tai. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện chủ trương trên của UBND xã Khai Sơn lại không được thực hiện theo đúng quy định từ công tác lập hồ sơ, trình tự thủ tục hỗ trợ và đặc biệt trong quá trình chi trả đã tự ý điều chỉnh, cắt giảm tiền mà Nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại. Chẳng hạn, trong danh sách hỗ trợ có 1 người nhưng nhận tiền cứu trợ ở 2 xóm khác nhau…       

An Cư là một trong những xã của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị cơn lũ thế kỷ hồi đầu tháng 11/2009 gây thiệt hại nặng nề. Cơn lũ đi qua, lực lượng Công an, Quân đội đã đến với vùng quê này để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, thu dọn vệ sinh môi trường, đào đắp đường giao thông nông thôn và dựng lại nhà ở cho những gia đình khó khăn, neo đơn. Nhiều tổ chức xã hội- từ thiện và các nhà hảo tâm đã chuyển tiền, quà cứu trợ đến An Cư để chia sẻ tình người với những gia đình bị thiệt hại do lũ lụt.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận và phân phối tiền, quà cứu trợ, một số cán bộ ở xã An Cư đã vì lợi ích và tình riêng mà “ăn chặn” tiền cứu trợ của bà con khó khăn, ưu ái cấp cho người thân, người quen của mình. Cụ thể, từ sự phản ánh của người dân, Thanh tra huyện Tuy An vào cuộc xác minh, qua đó phát hiện trong số tiền do ca sỹ Mỹ Tâm cứu trợ mỗi suất gồm 1 triệu đồng và hàng hóa trị giá 500 nghìn đồng, những cán bộ xã biến chất đã tìm cách chia 21 suất quà cho cán bộ xã, thôn và 8 suất cho người thân của họ. Thậm chí, có 7 trường hợp người thân của cán bộ xã đã được chia quà của ca sỹ Mỹ Tâm, nhưng vẫn được “ưu ái” nhận thêm quà của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long (mỗi suất 500 nghìn đồng, 1 thùng mì và quần áo)…

6-2.jpg -0
Công an tỉnh Nam Định bắt giữ Cao Thị Hoài, đối tượng đưa hình ảnh hài nhi xấu số lên mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện.

Đến những kẻ trục lợi tiền từ thiện của các nhà hảo tâm

Khi mạng xã hội phát triển, để có thể kêu gọi nhiều hơn những tấm lòng từ thiện của các “Mạnh Thường Quân” đối với những cảnh đời éo le, nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện đã viết bài trên các trang facebook cá nhân, lập các trang fanpage để kêu gọi từ thiện. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng mất nhân tính đã tìm cách trục lợi trên sự đau thương của đồng loại. Chúng tìm cách viết bài lấy đi nước mắt và tình thương, cũng như sự ủng hộ của những người có tấm lòng nhân hậu trong xã hội. Do sự tương tác rộng của mạng xã hội, các đối tượng đã kết nối được rất nhiều “Mạnh Thường Quân” trên khắp mọi miền đất nước, từ đó lừa đảo, ăn chặn một số lượng lớn tiền từ thiện của hàng nghìn người dân…

Đầu tháng 10 vừa qua, Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Cao Thị Hoài, SN 1998, trú tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là đối tượng đã tìm cách trục lợi hàng trăm triệu đồng từ những hài nhi xấu số. Hoài đã vào các trang fanpage, facebook của những người làm thiện nguyện cho trẻ sơ sinh xấu số, lựa chọn những hình ảnh thương tâm nhất rồi sao chép về facebook cá nhân Trần Mai Thu Thảo (sau đổi tên facebook thành Mai Mai) đăng bài kêu gọi mọi người quyên góp tiền để mua đất, mua vật tư phục vụ việc mai táng cho những hài nhi xấu số. Để tạo niềm tin, Hoài thi thoảng đưa những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để mọi người nhầm tưởng đó là sự thật. Để lừa được lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm, Cao Thị Hoài nói dối bản thân đang làm việc tại phòng khám và điều trị “Tâm an đường”, đặt slogan của facebook Mai Mai là “Bảo vệ mạng sống cho các con”.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, facebook Mai Mai đã có hàng ngàn lượt xem, like và bình luận. Tài khoản ngân hàng của Cao Thị Hoài có 688 người từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước gửi tiền ủng hộ từ thiện, mức ủng hộ từ vài trăm đến vài chục triệu mỗi người, tổng số tiền khoảng 270 triệu đồng.

Tháng 5/2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Trần Văn Lâm, SN 1998, trú tại xã Đông Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam,  lừa đảo chiếm đoạt hơn 6,6 tỷ đồng từ hoạt động kêu gọi từ thiện.

Từ tháng 9/2020, Trần Văn Lâm đã thiết lập trang Fanpage “Hỗ trợ trẻ em” (facebook.com/hotrotreem.vn, hiện có 6.282 người theo dõi) và đăng tải gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Thực ra, Lâm đã lấy thông tin từ các hội, nhóm từ thiện trên mạng xã hội và chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” đăng trên các báo điện tử, sau đó bổ sung thêm thông tin về số tài khoản của mình.

Ngoài ra, Lâm còn lập thêm 7 trang fanpage khác tương tự, gồm “Quỹ Bảo trợ trẻ em”, “Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương”, “Quan Thế âm bồ tát” nhằm hỗ trợ cho hoạt động lừa đảo của mình. Hàng nghìn nhà hảo tâm đã bị những chia sẻ bi thương của Lâm lừa dối, họ đã góp tổng cộng hơn 6,6 tỷ đồng cho Lâm, để kẻ bất nhân này sử dụng hết vào mục tiêu chơi games và tiêu xài cá nhân.

Ngay trong tháng 12 này, Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cũng đã bắt giữ đối tượng Phan Văn Tài, SN 1996, trú tại xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương (Nghệ An) vì hành vi lừa đảo tiền từ thiện. Tài đã cắt nội dung đăng trên các bài báo chính thống, nói về hoàn cảnh thương tâm của các cháu nhỏ để đưa về đăng trên những trang facebook ảo. Trong những bài đăng này, Tài dùng các từ ngữ rất bi thương kêu gọi tấm lòng hảo tâm của mọi người, rồi đưa số điện thoại, tài khoản của người nhà nạn nhân (thực chất là của Tài đang nắm giữ) rồi giả danh như một người tốt khách quan: “Có nhiều anh chị, cô bác muốn gửi vào tài khoản của mình giúp đỡ cháu, mình rất cảm ơn nhưng hãy giúp trực tiếp, gửi cho người bác của cháu nhé!!! Mình còn bận nhiều việc nên không thể đến nhiều lần thăm cháu được...”. Từ tháng 6/2021 đến khi bị bắt giữ, với thủ đoạn trên, Phan Văn Tài đã lừa đảo 1.617 nạn nhân ở khắp cả nước, chiếm đoạt 255 triệu đồng.

Cả Cao Thị Hoài, Trần Văn Lâm và Phan Văn Tài đều không sử dụng một đồng tiền nào nhận được từ các nhà hảo tâm vào mục đích từ thiện. Vì thế, khi hành động bất nhân của Hoài, Lâm và Tài bị cơ quan Công an phanh phui, nhiều nhà hảo tâm cảm thấy rất đau lòng, không phải vì số tiền họ mất đi cho Hoài, mà họ cảm thấy mất đi niềm tin...

Trong cuộc sống vẫn có những con người, những mảnh đời cần cứu giúp, trên mạng xã hội hàng ngày vẫn có những bài viết chia sẻ và kêu gọi giúp đỡ những mảnh đời đó. Tuy nhiên, dường như sự tương tác của độc giả, của những nhà hảo tâm đã giảm đi, đâu đó trong comment vẫn thảng thốt những câu hỏi nghi ngờ: “Liệu đây có phải là trường hợp từ thiện thật không?”, “Chúng ta có bị lừa gạt không?”. Không thể trách được người hỏi, bởi lòng tin của họ đã từng bị xói mòn, đặc biệt đã có những kẻ bị phanh phui vì dám trục lợi từ chính những đau thương của đồng loại...

Tình trạng bớt xén, chia không đều, lập hồ sơ khống để ăn chặn tiền, tài sản từ thiện tồn tại trong một số cán bộ, công chức ở cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận; còn từ thiện của cá nhân, tổ chức thì thật giả lẫn lộn, trắng đen khó tường minh… Hiện thực đó đặt người dân vào tâm lý băn khoăn, quan ngại, lòng tốt vẹn nguyên nhưng lòng tin thì sứt mẻ, đó là hiện thực gây nguy hại đến vấn đề an sinh, nhân đạo và văn hoá tinh thần của xã hội. Và những điều đó đang làm ảnh hưởng đến những hoạt động từ thiện chân chính, đến truyền thống nhân văn, nhân ái từ bao đời nay của dân tộc ta... 

(Còn nữa)

Thu Hòa
.
.
.