Hàng trăm hộ dân bị thiệt hại do hồ Tả Trạch tích nước

Thứ Hai, 09/08/2021, 08:24

Hơn 240 hộ dân ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) bị ảnh hưởng do hồ Tả Trạch ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy tích nước cao hơn mức bình thường gây ngập úng vườn tược, đất sản xuất, đất trồng rừng, đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, người dân tiếp tục gửi đơn “kêu cứu” đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế…

Theo phản ảnh của ông Nguyễn Nguyên ở xã Hương Phú, việc hồ Tả Trạch tích nước cao đã khiến đời sống gia đình ông bị đảo lộn, khó khăn chồng chất. Trong đơn “kêu cứu” vừa gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Nam Đông và các cơ quan liên quan, ông Nguyên trình bày cụ thể, hiện nay gia đình ông có 4 thửa đất (gồm đất ở, đất nuôi cao và đất trồng cao su) đều nằm dưới cột mốc ngập lụt + 53.

Gia đình ông đã gửi đơn đến chính quyền xã, huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nam Đông, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng thủy lợi 5, đã hơn 5 tháng nay mà vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, ông rất mong UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét, giải quyết cho gia đình... Có mặt tại xã Hương Phú vào đầu tháng 8/2021, tiếp xúc với nhiều hộ dân, chúng tôi nhận thấy họ đều có chung tâm trạng lo âu khi mùa mưa bão sắp về và lo sợ hồ Tả Trạch vẫn tích nước ở mức cao.

Nhiều người dân xã Hương Phú cho rằng, đợt bão lũ đầu năm 2021, hồ Tả Trạch tích nước cao hơn cả mét làm úng ngập cây trồng, đất sản xuất, đường dân sinh, đường vào khu sản xuất của người dân. Vì thế, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, mùa mưa lại về. Địa bàn huyện miền núi Nam Đông có lượng mưa cao hơn so với nhiều nơi nên họ rất lo sợ.

Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban quản lý và xây dựng (QL&XD) Thủy lợi 5 (đơn vị quản lý hồ Tả Trạch) xác nhận, đúng là có tình trạng hồ tích nước và ảnh hưởng diện tích đất rừng sản xuất của nhiều hộ dân ở xã Hương Phú. Theo ông Thông, về mặt giấy tờ thì UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho đơn vị đến cao trình (+) 56m. Trong trường hợp có lũ, hồ sẽ tích nước từ cao trình (+) 45 lên đến (+) 50 thậm chí đến (+) 53. Điều đáng nói, trong khi hồ có cao trình đến (+) 56m, nhưng đến thời điểm này chỉ mới đền bù, giải phóng mặt bằng đến mốc (+) 45m, tức đến mức nước dâng bình thường. Còn lại mức (+) 45 đến (+) 56 mới chỉ thu hồi một số rất ít. Số còn lại lâu nay vẫn gọi là vùng bán ngập và diện tích này vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân…

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới đây, cử tri của xã tiếp tục phản ánh về tình trạng hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức bình thường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Điều đáng nói, dù tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Qua thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn xã có hơn 240 hộ dân có diện tích đất ở, đất vườn và đất trồng rừng sản xuất ảnh hưởng bởi việc tích nước cao hơn mức bình thường của hồ Tả Trạch nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. Trong đó, có 71 hộ có đất ở nông thôn và đất vườn liền kề bị ảnh hưởng với diện tích 3,1ha; 176 hộ có đất trồng keo, cao su bị ảnh hưởng với diện tích 141ha.

Ngoài ra, có 4 tuyến đường sản xuất bị ảnh hưởng ngập lụt người dân không đi lại được khi đóng nước lòng hồ. Nhiều tuyến đường dân sinh, đường sản xuất cũng ngập sâu khiến việc đi lại, làm ăn của người dân bị ảnh hưởng; một số học sinh phải nghỉ học vì không thể đến trường.

Mùa mưa năm ngoái kéo dài tháng từ 9/2020 đến đầu năm 2021 khiến khu vực bị ảnh hưởng nước ngập lâu nhất gần 2 tháng. Có mặt tại các khu rừng sau khi nước rút (do hồ Tả Trạch tích nước), chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích cao su trồng được 2-3 năm đã chết héo. Nguyên nhân là do hồ Tả Trạch tích nước ở cao trình cao hơn mực nước bình thường, có thời điểm cao hơn mức bình thường đến 1m.

Trước sự bức xúc của nhiều hộ dân xã Hương Phú bị ảnh hưởng do tích nước hồ Tả Trạch, giữa tháng 7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tả Trạch, chính quyền huyện, xã kiểm tra và yêu cầu chủ đập thực hiện điều tiết lưu lượng về hạ du để hạ mực nước hồ Tả Trạch xuống cao trình dưới + 45m.

Đối với diện tích đất sản xuất trên cao trình mực nước dâng bình thường + 45m bị ngập nước, UBND tỉnh đã đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tả Trạch phối hợp chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập phương án kinh phí đền bù từ cao trình + 45m đến cao trình mực nước lũ thiết kế (PTK=0,5%) + 50m và cao trình mực nước lũ kiểm tra (P=0,1%) + 53,07m. Đồng thời, lập phương án khai thác tổng hợp, sử dụng đất vành đai lòng hồ từ cao trình +45m đến + 53m để đảm bảo hoạt động an toàn công trình khi vận hành điều tiết lũ khẩn cấp và hành lang bảo vệ nguồn nước, làm cơ sở điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành phù hợp cũng như theo năng lực thiết kế công trình.

Ông Trần Bảo Thắng chia sẻ rằng, cuối tháng 7/2021, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh, huyện có phối hợp với địa phương khảo sát thực tế, rà soát số diện tích đất sản xuất của dân bị ảnh hưởng. Chính quyền xã Hương Phú mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các vướng mắc để người dân sớm ổn định cuộc sống, sớm đầu tư các tuyến đường sản xuất để bà con đi lại sản xuất an toàn trong mùa mưa lũ và khi lòng hồ tích nước; vì không có đường đi, bà con đi lại bằng ghe thuyền trong mưa bão rất nguy hiểm.

Được biết, hồ Tả Trạch là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2014. Ngoài mục đích chính giảm lũ, phục vụ nước tưới tiêu cho hàng ngàn hộ nông dân ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế thì hồ Tả Trạch còn cho một công ty tận dụng nguồn nước để làm thủy điện.

Hải Lan
.
.
.