Đằng sau sự thật “hiến” hàng chục hécta đất ở Lâm Đồng

Thứ Sáu, 18/02/2022, 05:33

Thật bất ngờ khi “tấc đất” đang được ví với “tấc vàng” nhưng lại được các cá nhân ở TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) “dâng hiến” hàng chục hécta để làm đường giao thông, phục vụ mục đích công cộng.

Sự thật về phong trào “hiến đất làm đường” ở Lâm Đồng trong những năm qua đang dần được hé lộ khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ. 

Theo báo cáo của UBND TP Bảo Lộc, từ 2018 đến nay trên địa bàn TP Bảo Lộc đã có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa, trong đó có 115 hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường giao thông, sau đó tách thành nhiều thửa đất mới. Xã Đạm Bri là địa phương có số người hiến đất làm đường lớn nhất TP Bảo Lộc với 31 trường hợp, tiếp đó là phường Lộc Tiến với 25 trường hợp, phường Lộc Phát có 21 trường hợp…Tổng diện tích đất người dân xin hiến 211.844m2 (toàn bộ đều là đất nông nghiệp), gồm 115 trường hợp ở 7/11 xã, phường. Người hiến đất nhiều nhất là 11,8ha. Có 3 trường hợp hiến đất với diện tích từ 5 đến 10ha, 11 trường hợp hiến đất với diện tích từ 2 đến 5ha và 100 trường hợp hiến đất từ 0,08 đến 2ha.

Cùng với việc đua nhau “hiến đất làm đường”, những năm qua TP Bảo Lộc nở rộ tình trạng phân lô, tách thửa, hình thành các dự án bất động sản trái pháp luật. Việc tách thửa tại TP Bảo Lộc diễn ra rầm rộ từ năm 2018 đến năm 2021.

Từ 3.873 thửa ban đầu sau khi các cá nhân, gia đình xin “hiến đất làm đường” đã hình thành 12.736 thửa mới, tác động đến hơn 1.200ha đất. Phần lớn những vị trí người dân xin hiến đất làm đường, sau đó tách thành hàng trăm thửa đất mới, rao bán, sang nhượng như một dự án bất động sản hợp pháp. Hàng chục căn nhà đã hình thành trên những dự án bất động sản trái pháp luật này.

Tương tự, tại huyện Bảo Lâm, tình trạng lợi dụng chiêu hiến đất làm đường để phân lô, chia nhỏ các thửa đất nhằm sang nhượng dưới hình thức dự án bất động sản xảy ra khá phổ biến. Theo UBND huyện Bảo Lâm, từ năm 2018 đến 2021, địa phương này có 77 hồ sơ hiến đất làm đường với tổng diện tích hơn 155ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc An, Lộc Thắng…

Đây là các xã giáp ranh TP Bảo Lộc và có đường đấu nối vào quốc lộ 20, hoặc đấu nối vào vùng ngoại thành TP Bảo Lộc. Tại huyện Bảo Lâm cũng có một trường hợp hiến hơn 10ha đất để mở đường. Có 5 trường hợp hiến hơn 5ha đất, 9 trường hợp hiến 3ha. Sau khi hiến đất làm đường, tổng số thửa mới hình thành hơn 16.000 thửa (trong 3 năm). Trong đó, năm 2019 có 3.760 thửa đất mới hình thành, năm 2020 có 6.260 thửa mới và năm 2021 là 6.883 thửa đất mới được hình thành.

Cũng như TP Bảo Lộc, mục đích của việc hiến đất làm đường là phân lô, tách thửa để lập thành những dự án bất động sản trái pháp luật do các cá nhân, gia đình đứng tên. Điển hình là tại xã BLá, huyện Bảo Lâm, sau khi hiến đất làm đường, tách thành nhiều thửa đất nhỏ, “chủ đầu tư” đã quảng cáo đây là dự án The Tropicana Garden 1 để sang nhượng. Hiện tại, khu vực này đã hình thành 80 căn nhà, bao quanh là rừng thông.

batdongsan.jpg -0
Bản chất của việc hiến đất ở Lâm Đồng là để phân lô, tách thửa, hình thành dự án bất động sản.

Trước thực trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa, hình thành các dự án bất động sản trái pháp luật, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố trên địa bàn, yêu cầu các hộ dân dừng việc san lấp mặt bằng, thi công các công trình, không được làm cổng, rào chắn đối với đường đã thi công trên diện tích đã hiến đất làm đường.

Trong chỉ đạo mới, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích các hộ hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn tỉnh, đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch về nông thôn mới, xem xét xử lý theo đúng quy định.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua trên địa bàn có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới. Sau đó, nhiều cá nhân và tổ chức giới thiệu, quảng cáo giao dịch tương tự các dự án bất động sản. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Từ ngày 21/1, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn. Việc dừng này cho đến ngày 1/3, khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ban hành ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.

Khắc Lịch
.
.
.