Đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông, Hà Nội bị “xẻ thịt” cho thuê:

Chính quyền “bất lực” vì doanh nghiệp chây ì không chịu di dời?

Chủ Nhật, 04/12/2022, 09:15

Sau hơn một tháng xảy ra vụ cháy nhà xưởng nằm trong đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông, Hà Nội khiến một người tử vong. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng nhà xưởng trái phép cho thuê.

Sau khi xảy ra sự việc, từ ngày 21 đến 31/10, Trung tâm phát triển quỹ đất (Trung tâm PTQĐ) quận Hà Đông đã ban hành 10 thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu các doanh nghiệp di dời người và tài sản ra khỏi đất dự án nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Vậy đâu là nguyên nhân?

Từ việc buông lỏng quản lý…

Những ngày gần đây, quay lại khu đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông sau hơn 1 tháng xảy ra vụ hỏa hoạn (vào rạng sáng 20/10) khiến một nhân viên bảo vệ tử vong, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, những hàng quán, khu nhà xưởng, gara ôtô… vẫn hoạt động bình thường và thậm chí như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Trong vai người cần thuê đất trong khu dự án “Công viên cây xanh” Hà Đông, phóng viên được ông Nguyễn Văn T (một chủ doanh nghiệp) hiện đang hoạt động kinh doanh tại đây cho biết, ở đây vẫn còn nhiều đất và kho hay nhà xưởng nhưng không biết thời hạn các bên cho thuê thỏa thuận như thế nào. Vì vừa rồi xảy ra vụ cháy nhà xưởng có người tử vong nên khu đất này cũng bị cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp di dời, trả lại đất.

Cũng theo ông Nguyễn Văn T, mấy hôm đầu sau khi xảy ra vụ cháy, các doanh nghiệp ở đây đều bị cơ quan chức năng đến kiểm tra, còn phường thì mời lên họp. Hoạt động cũng bị hạn chế mất mấy hôm, bên ngoài họ bắt đóng cửa nhưng bên trong công nhân vẫn làm việc. Tuy nhiên, sau đó lại bình thường. Tính đến nay, cơ quan chức năng cũng đi kiểm tra được 2-3 lần rồi không thấy gì nữa.

Qua trao đổi về giá thuê đất và nhà xưởng tại đây, ông T cho biết, thường thì đất ở đây phân ra thành 2 khu vực. Khu đất mặt tiền cổng chợ 365 (phường Hà Cầu) có nhà xưởng sẵn giá thuê từ 120-150.000đ/m2; còn đất nằm sâu trong Chợ 365 của dự án này (thuộc phường Kiến Hưng) thì giá khoảng 70.000đ/m2. Khi phóng viên ngỏ ý muốn thuê một khu đất trống để tự dựng nhà xưởng nhằm hạ giá thành thì ông T cho rằng: “Không làm thế được đâu. Muốn dựng được nhà xưởng phải có dây, có quan hệ. Mà tự dựng thì chi phí đắt lắm! Chỉ có những doanh nghiệp lớn ở đây mới làm được thôi. Nhưng sau vụ cháy thì chắc không thể dựng được thêm nhà xưởng nào. Chính quyền và cơ quan quản lý cũng đang đốc thúc thu hồi lại nên khó lắm”.

“Cơ sở kinh doanh của chúng tôi chuyển về khu đất này đã được 7 năm nay rồi. Cách đây hơn 1 năm hợp đồng đã hết hạn nhưng hai bên không ký lại. Tiền thì vẫn đóng theo quý (3 tháng 1 lần) cho chủ như trước đây. Giá tiền thuê cũng vẫn thế chứ không có gì thay đổi. Hoạt động thì cứ hoạt động thôi chứ cũng không biết khi nào phải trả đất”, ông Nguyễn Văn T nói. Ông Trần Văn L, chủ một doanh nghiệp tại đây cũng cho biết, chúng tôi thuê ở đây cũng lâu rồi. Vốn đầu tư vào đây không ít, mấy năm vừa qua bị dịch COVID-19 không làm ăn được gì. Vừa mới hoạt động bình thường trở lại được vài tháng thì xảy ra chuyện ở trong khu vực. Chính quyền và cơ quan chức năng có vào kiểm tra nhưng xong lại thôi.

“Chúng tôi cũng thấy cơ quan quản lý gửi thông báo thu hồi lại đất nhưng chúng tôi có thuê của họ đâu. Bây giờ doanh nghiệp cho chúng tôi thuê cần phải ngồi lại bàn bạc, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ cho chúng tôi. Ở đây, đa số các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Mấy ngày gần đây, cũng có một vài doanh nghiệp thuê kho họ chuyển dần đi nơi khác”, ông Trần Văn L nói.

Liên quan đến những hoạt động tại khu đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông không đúng quy định, ngày 24/6/2021, UBND TP có Thông báo số 366 về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thể hiện với nội dung: Quá trình thực hiện lập quy hoạch chi tiết Khu công viên cây xanh TDTT Hà Đông còn nhiều bất cập về quy trình, hồ sơ pháp lý lập quy hoạch; lãnh đạo Thành uỷ và UBND thành phố có nhiều chỉ đạo UBND quận Hà Đông và các sở, ngành thành phố trong quá trình triển khai lập quy hoạch nhưng công việc chưa có sự chuyển biến; công tác quản lý, sử dụng đất buông lỏng, cho thuê mặt bằng không đúng quy định, trong khi nhu cầu sử dụng công viên của nhân dân là cấp thiết…

7-1.jpg -0
Hiện trường vụ cháy và các nhà xưởng xây dựng trái phép nằm trong khu đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông.

… đến việc doanh nghiệp chây ì không chịu di dời

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, bà Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông cho biết, năm 2015, sau khi được UBND thành phố chấp thuận phương án sử dụng tạm thời đối với diện tích đất đã được GPMB thuộc khu đất quy hoạch công khu công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông, Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông đã lập phương án kèm theo Tờ trình gửi UBND quận Hà Đông đề nghị phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mặt bằng” và “Phương án quản lý, khai thác tạm khu đất đã được GPMB dự kiến xây dựng công viên, thể thao cây xanh quận Hà Đông”.

Sau đó, Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông đã đứng ra ký hợp đồng khai thác tạm với 12 doanh nghiệp và yêu cầu các đơn vị thuê thực hiện theo đúng mục đích thuê thể hiện trong hợp đồng, không được cho thuê lại. Tuy nhiên, thực tế hiện tại có tới hơn 100 doanh nghiệp thứ cấp (thuê lại của 12 doanh nghiệp) kinh doanh hoạt động trong khu đất dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông. Tháng 7/2022, Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đã ký đối với một số doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp dừng hoạt động và di dời tài sản ra khỏi khu vực đất dự án công viên. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn cố tình chây ì, bất hợp tác và kéo dài việc sử dụng đất.

Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, từ ngày 21 đến ngày 31/10, Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông ban hành 10 thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với các doanh nghiệp còn lại. Cùng ngày 31/10, đơn vị cũng có Thông báo số 181 về việc kiểm tra chấp hành việc di chuyển toàn bộ người và tài sản, công trình vật kiến trúc theo Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng khai thác tạm đối với các nhà đầu tư tại khu khai thác tạm “Dự án Công viên, thể thao, cây xanh quận Hà Đông”. Các ngày mùng 3 và 4/11, Trung tâm PTQĐ tiếp tục đi kiểm tra và lập biên bản thực tế hoạt động đối với các trường hợp doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động tại đây. Đa số các doanh nghiệp không chấp hành việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và cũng không chịu di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông, sau khi Trung tâm PTQĐ thông báo chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với những doanh nghiệp trước đó, đơn vị cũng không thu tiền cho thuê đất. Tuy nhiên, thời gian các doanh nghiệp hoạt động sau này sẽ vẫn bị truy thu theo quy định. Để thực hiện có hiệu quả việc chấm dứt hợp đồng thuê đất giữa các bên, đơn vị vừa tuyên truyền vừa vận động các doanh nghiệp trực tiếp đứng ra ký hợp đồng với Trung tâm PTQĐ quận. Bên cạnh đó, đơn vị cũng gửi thông báo đến các doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động trong khu vực đất dự án, sớm di dời người và tài sản ra khỏi khu vực, trả lại hiện trạng ban đầu. Từ ngày 1/11, Công ty Điện lực Hà Đông đã có thông báo cho các đơn vị đang mua điện sẽ bị cắt điện sau 15 ngày thông báo nếu các cơ sở doanh nghiệp không chịu di dời.

Từ việc buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng và đến khi xảy ra hậu quả chết người, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý thì lại phủi tay, doanh nghiệp chây ì không chịu di dời trả lại đất. Vậy đâu là nguyên nhân? Trả lời cho những sai phạm về trật tự xây dựng trong khu dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông, ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Đội trưởng Đội QLTTXD Đô thị quận Hà Đông cho biết: "Chỗ này tồn tại từ trước, do mới về quản lý được mấy tháng nên tôi cũng không nắm rõ". Trả lời báo chí, ông Trịnh Quốc Ân, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục phối hợp với phòng, ban chuyên môn, đặc biệt chỉ đạo Công an phường và bộ phận địa chính, quản lý đô thị tăng cường tuyên truyền vận động và tiến hành phối hợp để kiểm tra các đơn vị trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, bên cạnh việc sai phạm của các doanh nghiệp thì không thể phủ nhận nguyên nhân bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn của quận Hà Đông. Những vi phạm một cách công khai, thể hiện sự thách thức pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước của các đối tượng nhưng vì sao chính quyền, cơ quan chức năng quận Hà Đông lại không thể xử lý? Vụ việc nêu trên cần sớm được cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Quang Trường
.
.
.