Bản nghèo “cõng điện” giá cao

Chủ Nhật, 26/02/2023, 08:40

Toàn bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) hiện có 56 hộ dân đều là người dân tộc Thái (230 nhân khẩu), trong đó có 24 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, chỉ vì vướng hơn 60 cây gỗ tạp nằm trong hành lang lưới điện chưa được giải phóng, ngành điện không nhận bàn giao, gần 8 năm nay người dân sử dụng điện sinh hoạt giá cao ngất ngưởng...

Nếu Lâm Phú (Lang Chánh) là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa thì bản Nà Đang lại là bản nghèo nhất, cách xa trung tâm xã gần 17km đường rừng, núi bao quanh.

Dân bản thiệt đơn, thiệt kép

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Nhị - Chủ tịch UBND xã Lâm Phú cho biết: Toàn xã hiện có hơn 1.000 hộ (4.800 nhân khẩu), cả xã có 8 bản, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái. Riêng bản Nà Đang, có 56 hộ dân (230 nhân khẩu), trong đó có 24 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014, dự án đường dây điện từ trung tâm ủy ban xã Lâm Phú kéo vào bản Nà Đang được khởi công, tuy nhiên do địa hình rừng núi hiểm trở, khó khăn cho việc thi công, phải đến năm 2016 dự án mới hoàn thành.

Bản nghèo “cõng điện” giá cao -0
Người dân bản Nà Đang mong muốn được sử dụng điện theo giá quy định của Nhà nước.

Kể từ đó đến nay, ngành điện chưa nhận bàn giao dự án, do đang vướng một số cây rừng dọc tuyến, không đảm bảo an toàn lưới điện. Do vậy, người dân trong bản Nà Đang phải mua điện bình quân 2.500đ/1KW, không được hưởng giá điện bậc thang theo quy định. Cụ thể, Điện lực Quan Sơn (lưới điện này kéo từ huyện Quan Sơn sang huyện Lang Chánh) ủy thác cho ông Hà Văn Hữu đứng ra trung gian bán điện cho người dân, ngành điện chưa nhận bàn giao nên không bán điện tận hộ gia đình, ông Nhị cho biết thêm.

Kết thúc cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch UBND xã Lâm Phú, chúng tôi vượt quãng đường gần 17km, từ trung tâm xã đi vào bản Nà Đang “thực mục sở thị”. Dù đang thời điểm giữa trưa nhưng dọc đường đi mây mù vẫn giăng kín, cách khoảng vài chục mét là không nhìn rõ mặt người, gió từng cơn thốc lên lạnh thấu xương. Con đường dẫn vào bản Nà Đang quanh co, uốn lượn quanh sườn núi với nhiều đoạn cua gập tay áo, chỉ những “tài xế” lão luyện mới dám lái xe trên con đường này. Cả quãng đường hàng chục km, tuyệt nhiên không hề có bóng người qua lại...

Sau hơn 30 phút ngồi xe ô tô, Trạm quản lý bảo vệ rừng Hón Sài - Chốt Nà Đang - Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn hiện ra trước mắt chúng tôi, đây cũng là “cửa ngõ” vào bản Nà Đang. Anh Lò Văn Nhiệm (42 tuổi), một trong những “hộ cận nghèo” ở bản Nà Đang bức xúc nói: Ở bản Nà Đang, nhà nào cũng phải nộp tiền điện giá 2.500đ/1KW, không có giá điện bậc thang, gia đình nào “hộ nghèo” thì được nhà nước hỗ trợ thêm tiền điện, hộ “cận nghèo” thì không được. Hàng tháng, người dân trong bản còn phải cùng nhau đi phát quang toàn đường điện, nếu không, điện lực họ cắt điện, anh Nhiệm nói.

Gia đình anh Lang Văn Hoài, bản Nà Đang thuộc diện “hộ nghèo”, dù rất tiết kiệm nhưng bình quân mỗi tháng nhà anh Hoài cũng sử dụng hết 130.000đ - 150.000đ tiền điện. Tuy nhiên, cũng như tất cả các hộ dân khác trong bản, ngoài tiền sử dụng điện nhân theo mức 2.500đ/KW, gia đình anh Hoài còn phải nộp thêm cho người thu tiền điện 20.000đ (phí hao mòn). Đối với người nghèo, một đồng cũng quý, anh Hoài nói.

Người “đứng mũi chịu sào” cho cả bản, ông Hà Văn Chuẩn cho biết: Đường điện kéo vào bản đã hoàn thành 8 năm nhưng ngành điện chưa nhận bàn giao, do hành lang chưa đảm bảo an toàn, còn nhiều cây gỗ có nguy cơ đổ vào đường dây (hơn 60 cây, 49 vị trí). Theo ông Chuẩn, số cây trên đều là cây gỗ tạp (nhóm V, nhóm VI) nằm trong rừng phòng hộ, không có cây nào thuộc nhóm gỗ quý. Nhiều lần có tình trạng cây đổ vào đường dây điện gây thiệt hại lớn, điển hình nhất là thời điểm năm 2018 có 2 cột điện bị đổ, UBND huyện Lang Chánh hỗ trợ 110 triệu đồng và dân bản góp 18 triệu đồng để sửa chữa, thay thế.

Hiện nay, cứ khoảng 45 ngày, bản phải huy động người dân đi phát quang an toàn đường điện, mỗi lần như vậy, trưởng bản đều phải chi tiền để dân ăn cơm, uống nước, ông Chuẩn nói. Đáng buồn hơn, trong một đợt phát quang gần đây, chỉ vì hạ mấy gây gỗ tạp có nguy cơ đổ vào đường dây điện mà mấy người dân trong bản đã bị xử phạt hơn 40 triệu đồng.

Trưởng bản Nà Đáng Hà Văn Chuẩn chua xót cho biết người dân không có tiền nộp, Chủ tịch xã đang phải ứng tiền nộp phạt cho dân bản rồi sẽ trừ vào tiền hỗ trợ bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Ngọc Thảo - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lang Chánh xác nhận, sau khi Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn hoàn thiện hồ sơ chuyển sang, Kiểm lâm huyện Lang Chánh đã xử phạt 3 cá nhân ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú số tiền 43 triệu đồng.

Điện lực hưởng lợi?

Theo tìm hiểu, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, năm 2014, dự án đường dây điện 35KVA từ trung tâm ủy ban xã Lâm Phú kéo vào bản Nà Đang có chiều dài 12km, được khởi công, với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Lang Chánh làm chủ đầu tư. Năm 2016, dự án hoàn thành nghiệm thu, bàn giao chủ đầu tư.

Tuy nhiên, có hơn 60 cây gỗ dọc theo tuyến đường dây diện vào bản Nà Đang nguy cơ gãy, đổ, ảnh hưởng an toàn lưới điện vẫn chưa được đốn hạ nên phía Điện lực Quan Sơn cho rằng, chưa đảm bảo an toàn nên ngành điện chưa nhận bàn giao. Trong khi đó, phía Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn lại khẳng định số cây gỗ trên không được phép chặt hạ, do vướng vào Chỉ thị 13-CT/TW/2017 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 71/NQ-CP/2017 của Chính phủ yêu cầu, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.

Trước những kiến nghị của người dân bản Nà Đang, chính quyền xã Lâm Phú và các ngành liên quan, ngày 6/12/2021, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo: “Không khai thác, chặt hạ cây rừng tự nhiên nằm sát hành lang lưới điện 35KVA bản Nà Đang. Chỉ cắt, tỉa cành, nhánh để đảm bảo an toàn cho hành lang đường dây tải điện theo quy định. Sản phẩm cành, nhánh sau khi cắt tỉa được thu gom, dọn dẹp đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ được sử dụng tại chỗ và nghiêm cấm vận chuyển buôn bán, tiêu thụ hay lợi dụng việc cắt tỉa để khai thác lâm sản trái pháp luật”.

Dù không nhận bàn giao lưới điện nhưng Điện lực Quan Sơn vẫn cấp điện cho đường dây 35KVA từ trung tâm xã Lâm Phú vào bản Nà Đang, thông qua trung gian bán điện cho người dân với giá cao.

Trần Thắng
.
.
.