Ai kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ tự phát?

Thứ Năm, 07/04/2022, 07:17

Chợ truyền thống có ban quản lý, còn chợ tự phát không có ban quản lý. Vậy, ai là người kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ tự phát?

Mua thực phẩm của mối quen

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, do ở gần nhà chị có chợ tự phát trên đường Thới Hòa nên chị thường mua thực phẩm ở đây. Tuy nhiên, không biết nguồn gốc của các thực phẩm này ở đâu. Như thịt heo thì người bán nói lấy từ chợ đầu mối Hóc Môn, cá còn sống thì không nói, cá biển đã chết ướp đá thì không biết người bán lấy nguồn từ đâu?

"Nhà tôi chủ yếu ăn cá và các loại là thủy sản, thỉnh thoảng mới ăn thịt heo, khi mua tôi thường ra chỗ người bán mà tôi mua quen từ trước đến nay, thấy thịt có đóng mộc kiểm dịch nhưng như chúng tôi không thể biết mộc đấy là thật hay giả, chỉ cơ quan chức năng mới biết được. Nhưng ở chợ tự phát này không biết có ai kiểm tra hay không?", chị Hoa cho hay.

Còn chị Phạm Thu Huyền cũng ở xã Vĩnh Lộc A cho biết, từ nhà chị ra chợ tự phát ở đường Thới Hòa chỉ khoảng hơn 100 mét nên chị chủ yếu mua thực phẩm tại chợ này, dù biết rằng nguồn gốc như thịt, cá… ở đây chỉ dựa vào niềm tin mà người bán nói là lấy từ chợ đầu mối.

Rảo quanh một số chợ tự phát, chúng tôi thấy hầu hết thực phẩm được bày bán hai bên lề đường nên ảnh hưởng đến giao thông và vấn đề vệ sinh thực phẩm cũng đáng quan tâm.

Tại chợ tự phát trên đường Thới Hòa (xã Vĩnh Lộc A), hai bên đường, người dân bày hàng hóa lấn chiếm lòng đường nên vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều luôn xảy ra tình trạng kẹt xe. Có người bán thịt heo nhưng chỉ trải tấm bạt ra bên đường rồi bày thịt lên để bán, nhìn khá mất vệ sinh.

Ngay trước chợ đầu mối Thủ Đức (quốc lộ 1) cũng mọc lên chợ tự phát. Vào buổi sáng hàng ngày, lưu lượng phương tiện đông, trong khi đó người mua, người bán chen nhau lấn hết phần đường dành cho người đi xe môtô, xe máy nên phải chạy ra làn đường dành cho ôtô. Khu vực này rất nguy nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Còn tại chợ tự phát trên đường số 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức (thường gọi là chợ Đo Đạc), hàng hóa người bán bày cả xuống lòng đường. Lực lượng chức năng của phường cũng thường xuyên lập lại trật tự, thậm chí xử phạt hành chính và tịch thu hàng hóa của người vi phạm, nhưng khi lực lượng chức năng dời đi thì người bán hàng lại lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán hàng hóa.

Điều đáng nói là có những người bán thịt heo ở chợ tự phát này chỉ trải tấm bạt xuống đất rồi xẻ thịt ra bán, nhưng vẫn có người ghé mua. Sau khi mua thịt tại đây, bà Thu ở phường An Khánh cho biết: "Chỗ này nghe người bán nói là thịt heo nhà nuôi tự mổ rồi bán nên có thể là heo sạch, về kho ăn thấy cũng ngon. Giá ở đây rẻ hơn mua trong siêu thị và không phải xếp hàng đợi lâu, tiện nên ghé mua cho nhanh".

Bởi vì từ sự tiện lợi mà nhiều chợ tự phát vẫn tồn tại nhiều năm qua, chính quyền thành phố luôn nói quyết tâm dẹp chợ tự phát nhưng điều này khó khả thi. Cũng chính vậy nên sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, chợ tự phát hoạt động nhộn nhịp, còn chợ truyền thống nhiều nơi đìu hiu.

Về thực trạng chợ truyền thống hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, từ khi thành phố bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã tích cực vận động và đưa các chợ truyền thống trở lại hoạt động sau khoảng thời gian đóng cửa để phòng, chống dịch. Đến nay, có khoảng 92% chợ đi vào hoạt động, một số chợ đang tạm ngưng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Lý giải nguyên nhân một số chợ truyền thống vắng lặng, ế ẩm, theo lãnh đạo Sở Công Thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến và đang tiếp tục duy trì; bên cạnh đó có nhiều tiểu thương về quê tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.

"Sắp tới, để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, Sở Công Thương định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, trong đó đẩy mạnh lợi thế của các chợ như: nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý… Đồng thời, Sở sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để đề ra giải pháp hiệu quả", bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay.

1.jpg -0
Chợ tự phát trước chợ đầu mối Thủ Đức nhếch nhác, lộn xộn và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Chấn chỉnh việc giết mổ tiêu thụ thịt gia súc

Về đường dây cung cấp thịt heo bẩn lớn nhất phía Nam, trong đó, nhân viên thú y, bảo vệ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) vi phạm quy định khi đã tiếp tay để tuồn heo chết tại cơ sở giết mổ đưa ra ngoài tiêu thụ thông qua một đầu mối thu gom lớn. Vấn đề này được người dân quan tâm và đặt câu hỏi vậy thịt heo bẩn này có tuồn ra chợ tự phát hay các quán ăn hay không?

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng không nên vì một vụ việc mà cho rằng thịt heo bẩn đang tràn lan trên thị trường. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật nghiêm khắc. Hiện tại, cơ quan chức năng đang xem xét kỉ luật các cán bộ thú y liên quan, rà soát lại các quy trình giết mổ và tiêu thụ.Về phía người dân, bà cũng khuyến cáo nên mua thịt tại các địa chỉ uy tín.

"Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra đột xuất và phát hiện 2 cơ sở tại Hóc Môn kinh doanh số thịt trên với khối lượng hơn 953kg, từ đó xử phạt 50 triệu đồng và yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy. Một cơ sở khác tại quận Bình Thạnh cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vì kinh doanh thịt không có nguồn gốc, giấy tờ", bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Bà Lan cũng cho biết, mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát nguồn gốc thịt heo, tuy nhiên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập liên quan đến giết mổ, đến thực phẩm sạch. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã báo cáo UBND thành phố, đề xuất nên có cơ chế cùng nhau giám sát quá trình giết mổ. Hiện tại, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất.

TP Hồ Chí Minh cũng đã có chương trình xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chỉ giữ lại các lò giết mổ tập trung để dễ dàng trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, đảm bảo thịt heo an toàn từ trang trại, đến nơi giết mổ và tiêu thụ.

Nguyễn Cảnh
.
.
.