Tòa án huyện Xuân Trường (Nam Định):

Xử vụ kiện đòi đền bù thiệt hại sức khỏe chỉ dựa vào lời khai

Thứ Năm, 09/03/2017, 07:42
Ngày 28-2, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm vụ án dân sự khá hy hữu. Một vụ án “tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại” mà nguyên đơn và bị đơn là người cùng xã, cùng đi làm ăn xa và đi nhờ xe nhau. 

Trong đơn gửi Báo CAND, ông Trần Văn Dữ (49 tuổi), ở xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trình bày: Ông và bà Lương Thị Hải (41 tuổi) là người cùng xã, khác xóm. Hai người cùng đi lao động tự do ở Hà Nội. Mỗi khi đi làm cùng một nơi, bà Hải thường nhờ ông đèo xe máy đi cùng. 

Ngày 19-11-2015, ông Dữ và bà Hải (cùng 2 người khác là ông Tám và bà Hằng) làm thuê tại một địa điểm ở tỉnh Bắc Ninh. Bà Hải ngồi sau xe máy ông Dữ. Khi trở về, trên đường cao tốc Bắc Ninh – Hà Nội (đoạn gần cầu vượt quốc lộ 18), đường thông thoáng, xe đang chạy bình thường, ông bỗng thấy xe bị hẫng.

Ông Dữ ngoái lại nhìn thì thấy bà Hải đang ngồi bệt trên mặt đường, ông dừng xe đỡ bà Hải nhưng bà Hải không đứng dậy được. Sau đó, ông Tám chở bà Hằng tới nơi, cùng đưa bà Hải đến bệnh viện. Bà Hải bị gẫy chân, sơ cứu tại Bệnh viện Bắc Ninh rồi phải đưa về Bệnh viện Việt Đức điều trị.

Ông Dữ khẳng định, ông không hề biết nguyên nhân vì sao bà Hải bị ngã. Tuy nhiên, vì là người cùng quê, cùng hoàn cảnh nên ông Dữ đã quan tâm thăm hỏi và giúp đỡ bà Hải trong quá trình điều trị, hỗ trợ bà Hải chữa bệnh 11 triệu đồng.

Thế nhưng, bất ngờ ngày 20-10-2016, ông Dữ nhận được thông báo của TAND huyện Xuân Trường về việc thụ lý vụ án dân sự mà nguyên đơn là bà Lương Thị Hải. Bà Hải yêu cầu ông Dữ phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho mình với lý do ông Dữ đã gây ra tai nạn.

Ngày 28-2, TAND huyện Xuân Trường mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”. Tại phiên tòa, bà Hải trình bày: “Do ông Dữ điều khiển xe đi nhanh và sát với dải batoa hành lang đường, dẫn đến chân phải bà bị va vào batoa khiến bà bị ngã xuống đường, gãy chân phải...

Sau đó, ông Dữ cùng bà Hằng và ông Tám đã đưa bà đi cấp cứu”. Theo kết luận của Bệnh viện Việt Đức, bà Hải bị gãy hai xương cẳng chân, phải đóng đinh inox ở chân phải và gãy xương đòn trái, thời gian điều trị tại Bệnh viện Việt Đức là 42 ngày.

Tại phiên tòa, bà Hải đề nghị ông Dữ bồi thường chi phí sức khỏe là 170.985.000 đồng (trong đó có chi phí cho việc cứu chữa, tiền thuốc, viện phí, thu nhập thực tế của bà bị mất do không đi làm được và thu nhập thực tế của chồng bà bị mất do phải chăm sóc bà ở Bệnh viện).

Tại phiên tòa, ông Dữ vẫn khẳng định rằng ông không rõ lý do bà Hải bị ngã và bị thương như bà Hải trình bày. Ông cũng không đồng ý bồi thường mức tiền bà Hải đưa ra, mà chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng (gồm cả số tiền đã hỗ trợ trước).

Trong vụ việc này, không có người làm chứng khi bà Hải bị ngã. Ông Tám và bà Hằng cũng chỉ biết bà Hải bị thương chứ không nhìn thấy diễn biến sự việc. Hội đồng xét xử cho rằng, mặc dù không có biên bản hiện trường xảy ra vụ tai nạn, cũng như căn cứ lời trình bày của ông Dữ cho rằng mình không gây ra hậu quả đó, nhưng “căn cứ vào tài liệu chứng cứ do bà Hải xuất trình, hậu quả để lại cho bà Hải có thể khẳng định một điều là có một lực tác động va đập rất mạnh mới dẫn đến hậu quả chân phải của bà Hải bị gãy, vỡ và gãy xương đòn trái”.

Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 28-2 của TAND huyện Xuân Trường cho rằng, dù ông Dữ không cố ý gây thiệt hại về sức khỏe cho bà Hải khi cùng tham gia giao thông, nhưng ông Dữ đã không thấy trước việc mình điều khiển xe có khả năng gây thiệt hại cho bà Hải, đây là lỗi vô ý.

Từ những phân tích đánh giá trên, Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận với một số khoản yêu cầu của bà Hải, cụ thể là các khoản chi phí chữa bệnh (có hóa đơn), thuê phương tiện đưa đi cấp cứu và khám chữa vết thương, chấp nhận yêu cầu bồi thường 14 tháng thu nhập thực tế của bà Hải bị mất trong thời gian điều trị thương tích.

Ngoài những khoản trên, Hội đồng xét xử cũng chấp nhận yêu cầu bồi thường do sức khỏe bị giảm sút và tổn thất về tinh thần với mức 18 triệu đồng. Phân tích lỗi, Hội đồng xét xử cho rằng, “bà Hải cũng có lỗi trong việc này. Sự việc xảy ra như vậy không ai mong muốn, lỗi của ông Dữ là vô ý do điều khiển phương tiện tham gia giao thông không lường trước hết được hậu quả”.

Tổng số tiền mà ông Dữ phải bồi thường cho bà Lương Thị Hải là 152.685.000 đồng (được trừ 11 triệu đồng mà ông Dữ đã đưa trước cho bà Hải). Ngoài ra, ông Dữ còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm hơn 7 triệu đồng. Ông Trần Văn Dữ cho rằng, tại phiên tòa không có một chứng cứ nào, nhân chứng nào đưa ra để khẳng định ông có lỗi gây ra tai nạn cho bà Hải nên không thể buộc ông phải đền bù thiệt hại cho bà Hải.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND qua điện thoại, bà Hải cho biết, bà phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, và cho đến bây giờ bà vẫn chưa thể tự đi được.

Trong vụ việc này, phải khẳng định rằng, thiệt hại đối với sức khỏe của bà Hải là rất nặng. Tai nạn xảy ra là điều chẳng ai mong muốn, nhưng việc khởi kiện ra tòa, đòi người chở mình đi làm phải đền bù thiệt hại về sức khỏe như trong vụ việc này cũng không thuyết phục. 

Lẽ ra hai bên có thể cùng nhau thỏa thuận cách giải quyết hậu quả chứ không nên đưa nhau ra tòa như thế này. Mặc dù ông Dữ khẳng định ông không gây tai nạn nhưng bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Xuân Trường vẫn xác định ông Dữ có lỗi vô ý gây ra hậu quả trên, yêu cầu ông đền bù thiệt hại sức khỏe cho bà Hải với số tiền 152.685.000 đồng. 

Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào lời khai của các đương sự mà không có chứng cứ để kết luận vụ việc là chưa thuyết phục. Ông Dữ cho biết, ông sẽ có đơn kháng cáo, đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét lại vụ việc. Báo CAND mong rằng TAND tỉnh Nam Định sẽ giải quyết sự việc thấu tình đạt lý.

Việt Hà
.
.
.