Xẻ núi mở đường lên quần thể thông đỏ quý hiếm

Thứ Ba, 20/08/2019, 16:08
Khu vực này là rừng tự nhiên, thuộc đối tượng rừng phòng hộ nhưng đã bị tác động, san gạt, có vị trí đơn vị thi công múc đất, gây chênh lệnh địa hình 3-4m, khoét sâu vào sát gốc nhiều cây gỗ lớn.

Nhiều tuần qua, lối mòn lên đỉnh núi Voi, thuộc tiểu khu 268, 277a, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị một doanh nghiệp cho xe cơ giới vào đào bới, trong khi theo quy hoạch đây là khu vực rừng phòng hộ, nơi có quần thể thông đỏ hàng trăm năm tuổi quý hiếm bậc nhất Việt Nam còn sót lại.

Đào đất, mở đường xuyên rừng phòng hộ lên núi Voi

Trước đây, vị trí này là con đường mòn, chỉ vừa lối đi bộ hoặc xe gắn máy của người dân địa phương và “dân phượt” muốn khám phá rừng tự nhiên, nơi đang hiện hữu quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm.

Theo người dân địa phương, khoảng hai tháng qua, một doanh nghiệp đã đưa máy múc tới san gạt, tạo mặt bằng theo hướng từ chân núi Voi, đoạn từ Trần Lê Gia Trang lên phía đỉnh núi.

Đây là khu vực có quần thể thông đỏ hàng trăm năm tuổi đặc biệt quý hiếm 

Đặc biệt, khu vực này là rừng tự nhiên, thuộc đối tượng rừng phòng hộ nhưng đã bị tác động, san gạt, có vị trí đơn vị thi công múc đất, gây chênh lệch địa hình 3-4m, khoét sâu vào sát gốc nhiều cây gỗ lớn. Việc tác động, làm thay đổi hiện trạng con đường, gây chênh lệch địa hình đang có nguy cơ dẫn đến sạt lở đất và cây rừng.

Đào múc đất rừng phòng hộ làm thay đổi hiện trạng

Liên quan đến việc xẻ núi, mở đường lên thẳng hướng đỉnh núi Voi, đại diện UBND huyện Đức Trọng cho biết, ngày 11-6 vừa qua, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần du lịch L. T. C rà sửa be cũ, để bê tông xi măng mặt đường và làm chốt trực quản lý bảo vệ diện tích rừng thuộc sự quản lý của doanh nghiệp.

Đưa xe cơ giới vào múc đất làm đường vào rừng phòng hộ tự nhiên

Theo đó, chiều dài con đường khoảng 1,5km, rộng từ 3-5m tùy vị trí. Đồng thời, Sở NN&PTNT Lâm Đồng yêu cầu công ty này: “Chỉ được rà sửa mặt đường trên nền đường be cũ hiện có, tạo mặt bằng để đổ bê tông xi măng; không đào bới làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường tại khu vực. Trong quá trình thi công tuyệt đối không được tác động, làm ảnh hưởng tới cây rừng...”.

Xẻ núi, xuyên rừng lên hướng quần thể thông đỏ

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai Công ty Cổ phần du lịch L. T. C đã cho xe cơ giới tới múc đất, san gạt, tác động, làm thay đổi hiện trạng con đường cũ, tạo nên những taluy cao, có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới cây rừng.

Đặc biệt, con đường xuyên rừng tự nhiên này được mở thẳng lên vị trí có quần thể thông đỏ hàng trăm năm tuổi quý hiếm trên núi Voi.

Khắc Lịch
.
.
.