Vụ 2 cô gái tử vong khi đi chơi thác:

Xả nước vào mùa khô, thủy điện không cần cảnh báo?

Thứ Ba, 20/03/2018, 09:34
Xả nước vào mùa khô, thủy điện không cần cảnh báo là khẳng định của ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) trong buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và Xí nghiệp thủy điện Dray HLinh về vụ hai cô gái tử vong khi thủy điện xả nước vào ngày 16-3 vừa qua.


Liên quan đến việc này, sáng 19-3, đoàn công tác của Bộ Công thương cùng lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và Xí nghiệp nhà máy thủy điện Dray HLinh. Trước buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại vị trí xảy ra tai nạn.

Đoàn công tác của Bộ Công thương đi khảo sát thực tế tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn.

Theo báo cáo của Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (đơn vị chủ quản thủy điện Dray HLinh 1), nhà máy thủy điện Dray HLinh 1 có công suất thiết kế khoảng 12MW. Đây là nhà máy vận hành theo ngày nên không có khung giờ nhất định về việc xả nước vận hành máy. Vào mùa khô, nhà máy chủ yếu vận hành vào giờ cao điểm. 

Vào khoảng 13h30 ngày 16-3, nhà máy thủy điện Dray HLinh 1 cho vận hành hai tổ máy phát điện với lưu lượng nước xả ra khoảng 60m³/s. Đến khoảng 15h cùng ngày thì đơn vị nhận thông báo về việc có tai nạn đuối nước dưới hạ lưu nên cho dừng khẩn cấp 2 tổ máy, đồng thời báo với các thủy điện bậc trên cùng dừng việc phát điện để tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân.

Đại diện Công ty Lưới điện cao thế miền Trung cũng cho biết, hàng năm đơn vị đều phối hợp với chính quyền 4 xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện Dray HLinh 1, tuyên truyền rộng rãi quy trình vận hành của nhà máy cho người dân biết. Tại những khu vực nguy hiểm nhà máy đều cho cắm cọc tiêu biển báo. Do đó, khẳng định tai nạn khiến hai cô gái tử vong là sự cố “ngoài ý muốn”, vị trí xảy ra tai nạn cũng khá xa nhà máy nên “ngoài tầm kiểm soát” của nhân viên vận hành.

Về vấn đề này, ông Lê Hữu Danh, Phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn làm hai cô gái tử vong, mực nước trên sông Sêrêpốk dâng khoảng 0,8m. Ông Danh cho rằng, mức nước dâng như vậy trong vòng một giờ là rất chậm, không nguy hiểm. Do đó, ông Danh nhận định, hai cô gái bị nạn có thể là do bị trượt chân rồi kéo nhau dẫn đến tử vong(!?).

Theo quan sát của phóng viên, vị trí xảy ra tai nạn làm hai cô gái tử vong cách cửa xả của nhà máy thủy điện Dray HLinh rất gần (nằm giữa thủy điện Dray HLinh 1 và Dray HLinh 2). Đoạn sông này có nhiều đá nổi lên lởm chởm, làm dòng chảy của sông rất phức tạp và hết sức nguy hiểm. Từ khu vực nhà máy, đứng ở trên cao có thể dễ dàng quan sát đoạn sông này. 

Trên đoạn sông Sêrêpôk, từ nhà máy thủy điện Dray HLinh 1 đến nhà máy thủy điện Dray HLinh 2 (bờ phía tỉnh Đắk Nông), có một lối mòn đi xuống sông (ở đối diện nhà máy thủy điện Dray HLinh 2) nhưng ở đó không hề có bất kỳ biển cảnh báo nào. Câu hỏi đặt ra là, cái chết thương tâm của hai cô gái do thủy điện xả nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi về việc dù thời gian vận hành bất thường nhưng thủy điện Dray HLinh 1 không cảnh báo bằng âm thanh liệu có đúng quy định không? Ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng hiện nay đang là mùa khô nên không cần cảnh báo, việc cảnh báo bằng âm thanh chỉ cần thiết đối với mùa mưa lũ. 

Ông Bảo cũng cho rằng, việc cảnh báo thường xuyên trong mỗi lần vận hành có thể sẽ bị phản tác dụng; người dân sẽ quen với âm thanh này nên sẽ không để ý khi có xả lũ lớn trong mùa mưa lũ. 

Hơn nữa, theo ông Bảo khi thủy điện Dray HLinh 1 vận hành thì nước sông Sêrêpôk vẫn chảy “êm đềm” chứ không dâng lên đột ngột hay gây nguy hiểm nên việc cảnh báo bằng âm thanh cũng không cần thiết.

Về vụ tai nạn vừa qua, ông Bảo nhận định đây là sự cố ngoài ý muốn. Ông Bảo cho biết, qua kiểm tra cho thấy Xí nghiệp thủy điện Dray HLinh cũng như Công ty Lưới điện cao thế miền Trung đã vận hành nhà máy thủy điện Dray HLinh 1 là “đúng quy trình”. 

Tuy nhiên, qua buổi làm việc với đơn vị này, ông cũng đã yêu cầu đơn vị cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân được biết quy trình vận hành của nhà máy nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra; yêu cầu rà soát toàn bộ các khu vực nguy hiểm để cắm cọc tiêu biển báo cho người dân.

 “Qua kiểm tra cho thấy, ngay khu vực hai nạn nhân gặp nạn không hề có cọc tiêu, bảng cảnh báo nguy hiểm. Ở những vị trí người dân có thể tiếp cận dòng sông, nhà máy cần có các bảng cảnh báo cấm bơi lội trên sông vì thủy điện sẽ xả nước bất ngờ”, ông Bảo chỉ đạo.     

Như Báo CAND đã thông tin, vào trưa 16-3, trong lúc đi chơi, thấy nước cạn nên chị HYam Niê (27 tuổi, trú tại thôn 1, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) và HYun Niê (24 tuổi, trú tại buôn KNia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) rủ nhau ra mỏm đất nổi lên trên sông Sêrêpốc để hái rau. 

Ngay sau đó, nước ở thượng nguồn bất ngờ đổ về rất mạnh làm nước sông dâng cao khiến hai chị HYam Niê và HYun Niê không kịp chạy vào bờ và bị nước cuốn trôi, tử vong. 

Ngay sau khi xảy ra sự việc, đại diện Xí nghiệp thủy điện Dray HLinh thừa nhận khi xảy ra vụ tai nạn, nhà máy thủy điện Dray HLinh 1 đang xả nước, vận hành nhà máy. Ngay sau đó, đơn vị đã làm báo cáo về sự việc để gửi cấp trên.

Văn Thành
.
.
.