Bị thương nửa thế kỷ không được công nhận thương binh: Vô cảm hay thiếu trách nhiệm?

Thứ Hai, 08/08/2016, 10:20
Báo CAND từng có bài phản ánh về trường hợp một cựu chiến binh bị thương đã 44 năm chưa được hưởng chế độ thương binh. Trong dịp cả nước hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 thì người cựu binh ấy phải lặn lội vượt quãng đường cả nghìn cây số để xin giấy xác nhận để rồi cứ "hãy đợi đấy...!"


Và cho đến bây giờ, ông vẫn mong ngóng, chờ đợi cái điều tưởng rằng đương nhiên mình được hưởng ấy. Cách giải quyết thiếu tích cực, chưa làm tròn trách nhiệm của các cán bộ làm chính sách đã khiến ông mất lòng tin.

Sự im lặng đáng trách

Ông Hà Duy Nguyên, SN 1951, ở xóm 1, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông Nguyên nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, đơn vị Đoàn 2049.

Ông Hà Duy Nguyên bức xúc vì cơ quan chức năng chậm trễ trong việc giải quyết chế độ cho ông.

Tháng 8-1972 ông được bổ sung vào Tiểu đội 10, Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 410, T3, Quân khu 9, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, khu rừng Tám Ngàn, ấp Nam Thái Sơn, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1973, ông bị thương khi đang chiến đấu tại rừng Tám Ngàn và được đưa vào điều trị ở trạm xá dã chiến rừng U Minh cùng mảnh đạn găm trong đầu. Sức khỏe ổn định, ông về đơn vị H5, Đoàn 195, Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu ở An Giang cho đến ngày giải phóng. Sau 30-4-1975, đơn vị ông đóng ở Cần Thơ rồi hơn 1 năm sau ông phục viên trở về địa phương.

Người lính Hà Duy Nguyên trở về từ chiến trường cùng với mảnh đạn nằm sâu trong đầu. Ông chấp nhận sống chung với mảnh đạn như chấp nhận một sự hiển nhiên của nỗi đau hậu chiến. Ông lập gia đình, sinh con và sống cuộc sống đơn sơ, đạm bạc. Tưởng chừng cuộc sống bình yên, nào ngờ vết thương cũ tái phát hành hạ ông mỗi đêm, đặc biệt là khi trái gió trở trời. Một bên tai bị điếc do sức ép bom đạn, trí não lúc minh mẫn, lúc bất thường.

Ông Hà Duy Nguyên và chỉ mảnh đạn vẫn trong đầu qua tấm phim XQ

Năm 2007, ông làm đơn gửi UBND xã Thái Dương kèm theo một số giấy tờ như giấy chứng nhận bị thương, chứng thực của đồng đội cùng chiến đấu… đề nghị chứng nhận thương binh. Nộp đơn và chờ đợi nhiều năm ông không thấy hồi âm. Mãi đến năm 2014, cán bộ xã mới hướng dẫn ông hoàn thiện giấy tờ để làm thủ tục. Tưởng rằng đã đến ngày được ghi nhận công lao, đóng góp cho đất nước hòa bình, nào ngờ đến tận năm 2015, rồi 2016 ông vẫn chưa được hưởng chế độ.

Cùng với việc đăng bài viết phản ánh sự chậm trễ công nhận thương binh cho ông Hà Duy Nguyên, Báo CAND đã có Công văn số 247/X21 ngày 16-6-2016 gửi tới Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Thái Thụy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đề nghị sớm giải quyết chế độ cho ông.

Cựu binh vượt nghìn cây số xin tờ giấy xác nhận mà không xong!

Sau khi nhận được công văn của Báo CAND, Ban CHQS huyện Thái Thụy cử người xác minh thông tin về sự việc trên. Ngày 24-6, Ban CHQS huyện Thái Thụy có Công văn số 465/TB-BCH trả lời rằng trước năm 2014 Ban CHQS huyện không nhận được hồ sơ hoặc ý kiến của ông Nguyên mà việc đề nghị mới dừng ở cấp xã.

Sau khi Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 202/2013/TT-BQP, Ban CHQS huyện Thái Thụy (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo huyện) đã hướng dẫn Hội đồng chính sách các xã, thị trấn trong huyện thông báo và hướng dẫn các đối tượng làm hồ sơ, trong đó có trường hợp của ông Nguyên. Ngày 19-10-2014, Ban CHQS huyện tiếp nhận hồ sơ đề nghị giám định thương tật của ông Nguyên và báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh (qua Bộ CHQS tỉnh) để thẩm định và báo cáo về Ban chỉ đạo Quân khu.

 “Hồ sơ của ông qua các cấp xét duyệt và thẩm định vẫn chưa thể hoàn thiện được vì giấy chứng nhận bị thương của ông do đơn vị nơi ông công tác dấu mờ, một số nội dung không rõ. Ngày 20-6, Ban chỉ đạo tỉnh đã thông báo và trả lại hồ sơ của ông Nguyên về tiếp tục hoàn thiện bổ sung cho đúng với quy định” – nội dung Văn bản số 465/TB-BCH do Thượng tá Trần Văn Thương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thái Thụy ký. Cụ thể, ông Nguyên được hướng dẫn liên hệ với đơn vị cũ xin sao lại các giấy tờ cần thiết.

Giấy xác nhận quá trình công tác trong Quân đội nhân dân của ông Hà Duy Nguyên do Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xác nhận.

Vậy là, lại một lần nữa ông Nguyên phải lặn lội từ Thái Bình vào Cần Thơ, tìm đến Quân khu 9 để xin giấy xác nhận theo hướng dẫn. Sức khỏe của ông Nguyên vốn đã bất thường, tai lúc nghe được lúc không, vết thương thì thỉnh thoảng lại hành hạ. Ông đành khắc phục hạn chế về sức khỏe và hoàn cảnh khó khăn, mang theo khoản tiền lộ phí vào miền Nam tìm đơn vị cũ. Ngày 11-7-2016, Cục Hậu cần Bộ tư lệnh Quân khu 9 có Văn bản số 03/GXN xác nhận quá trình công tác của ông Nguyên trong quân đội do Đại tá Phan Văn Chương, Tham mưu trưởng Cục Hậu cần ký.

Theo xác nhận, thời gian công tác thực tế trong quân đội của ông Nguyên là 5 năm 4 tháng. Thời gian công tác của ông Nguyên có trong hồ sơ lưu trữ của đơn vị đúng như ông đã trình bày. Sau khi có xác nhận trên, ông Nguyên đã gửi hồ sơ đến UBND xã Thái Dương để tiếp tục làm chế độ.

Vô cảm hay thiếu trách nhiệm?

Qua trao đổi với đại diện Ban Quân sự xã Thái Dương ngày 4-8, chúng tôi được biết, hồ sơ của ông Nguyên vẫn chưa được chuyển lên Ban CHQS huyện vì còn phải làm thêm một số thủ tục khác.

Chúng tôi thấy rằng, nguyên nhân chậm trễ làm chế độ cho ông Nguyên là do cách giải quyết chưa hết trách nhiệm từ UBND xã Thái Dương và Ban CHQS huyện Thái Thụy. Câu hỏi đặt ra là vì sao hồ sơ chưa hoàn thiện (như trả lời của Ban CHQS huyện Thái Thụy) mà ông Nguyên không được thông báo để làm lại giấy tờ ngay từ năm 2014, 2015?

Một trong đơn xác nhận về trường hợp của ông Hà Duy Nguyên.

Trong khi đó, ngày 9-6 những người làm chính sách ở xã Thái Dương lại trả lời chúng tôi rằng: “Xã đã hướng dẫn ông hoàn thiện làm thủ tục nhưng từ đó đến nay không thấy có tin tức gì”. 

Trước đó nhiều năm, ông Nguyên đã có đơn đề nghị gửi UBND xã Thái Dương nhưng không được giải quyết mà ông được trả lời là “chưa có đợt”. Nếu như ông Nguyên cứ chờ đợi thì chẳng biết hồ sơ của ông sẽ bị cất vào tủ đến bao giờ, và chẳng biết đến cuối đời liệu ông có được hưởng chế độ mà lẽ ra ông phải được bù đắp từ lâu hay không?

Cách giải quyết thiếu tích cực và tắc trách của các cán bộ giải quyết khiến người cựu binh già sức khỏe ngày càng yếu vẫn phải mòn mỏi chờ chế độ. Dư luận hết sức bất bình trước cách làm trên. Đề nghị UBND xã Thái Dương, Ban CHQS huyện Thái Thụy cần giải quyết ngay chế độ cho ông Nguyên.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong thời gian gần nhất.

V.Hà – N.Hương
.
.
.