Vụ oan khiên của cụ ông 80 tuổi mang 2 án tử hình đã được lật mở như thế nào?

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:10
Báo CANDonline có bài viết “Hành trình kêu oan 46 năm của ông cụ 80 tuổi mang hai bản án tử hình” viết về việc ông Trần Văn Thêm bị hai cấp tòa xử tử hình về tội giết Thêm liên tục kêu oan. Đầu năm 1976, ông được ra khỏi trại giam. Cơ quan tố tụng thời kỳ đó cũng làm rõ, hung thủ thực sự của vụ án là Phùng Thanh Nhàn và hắn đã bị bắt, xét xử.



Trong những cuộc gặp gỡ với ông Trần Văn Thêm, tôi liên tục lặp lại câu hỏi, “trong 40 năm qua, ông nhiều lần gửi đơn kêu oan không?” và lần nào cũng nhận được câu trả lời “có”. Tuy nhiên, ông nhớ nhất giai đoạn từ năm 1997 đến nay. Còn người cháu họ Trần Văn Được thì khẳng định, “sau khi có Nghị quyết 388 năm 2003 về bồi thường oan sai, ông cháu tôi như vớ được cọc. Thế mà nhiều lúc cũng nản lắm…”.

Ông Cù Tiện (giữa), nguyên Phó ban Chỉ huy Cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xác nhận hung thủ vụ án đêm 23-7-1970 là Phùng Thanh Nhàn.

Trở lại cuộc sống của ông Thêm sau khi được trở về quê vào ngày 29 Tết năm 1975 để thấy, việc ông trở về là niềm vui lớn với gia đình. Vợ ông một nách 5 đứa con trứng gà, trứng vịt chỉ lo cái ăn thôi cũng đủ lao lực. Ông về, cố gắng san sẻ gánh nặng gia đình. Rồi họ có thêm đứa con thứ sáu (cũng là con út và đặt tên là Sáu). 

Nhưng khoảng 3 năm sau, vợ ông qua đời. Thế là ông Thêm lại gánh trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi 6 đứa con, cực nhọc vô cùng. Sống cảnh gà trống nuôi con rất cơ cực nhưng cứ có điều kiện là ông viết đơn kêu oan. Thế nhưng, sự việc chẳng đi tới đâu khiến có lúc ông buông xuôi. 

Cho đến năm 1997, có người mách khi gửi đơn đi đâu, cơ quan nào tiếp nhận và phản hồi thì ông phải giữ lại thì lúc đó, ông mới lưu trữ lại những văn bản, giấy tờ. Vậy nhưng, kể cả những năm sau này khi gửi đơn đến các cơ quan Nhà nước, ông cũng không có giấy tờ nào chứng minh mình bị oan sai. 

Ông Thêm và người cháu họ Trần Văn Được đọc thông tin về vụ việc trên các báo

Rồi ông được người ta mách đi đến chỗ nọ, chỗ kia xin hồ sơ, tài liệu hay kiến nghị giải quyết. Thế nhưng, phản hồi lại cho ông là những câu trả lời như: không có hồ sơ, không có cơ sở giải quyết…

“Nói có sách, mách có chứng”, đại diện của ông Thêm cung cấp cho chúng tôi công văn trả lời ông Thêm ngày 2-10-2006 của TAND tỉnh Phú Thọ có nội dung: Không còn quản lý hồ sơ vụ án này. Công văn ngày 7-3-2014 của VKSND TC thì: Không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông như ông trình bày trong đơn. Do đó, không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan. 

Trước đó, ngày 7-3-2005, ông Thêm cũng nhận được công văn trả lời của Tòa phúc thẩm - TAND TC tại Hà Nội: Đơn khiếu nại của ông đề nghị được bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có căn cứ.

Ông Thêm đi khiếu nại việc mình bị oan sai nhưng trong tay không giấy tờ có giá trị pháp lý và kết quả xác minh, trả lời của cơ quan có thẩm quyền như vừa nêu ở trên thì lấy gì để được minh oan đây? 

Ông Trần Văn Thêm đọc bài viết về mình trên Báo CAND.

Anh Trần Văn Được, cháu họ ông Thêm cho phóng viên biết, “tiếng xấu về ông tôi âm ỉ trong làng ngoài xóm mấy chục năm qua. Việc oan khuất của ông tôi, cả họ đều biết. Bản thân ông và một số chú, bác trong họ cũng nhiều năm đi kêu cầu nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Cách đây 3 năm, gia đình có một vụ tranh chấp nên tôi đến Công ty Luật Hòa Lợi thuê bảo vệ quyền lợi và có nói cho họ nghe vụ việc của ông Thêm. May mắn là anh luật sư Vũ Lợi, chú Nguyễn Văn Hòa quan tâm và nhận trợ giúp pháp lý miễn phí”.

Căn cứ vào kết quả cơ quan có thẩm quyền trả lời ông Thêm từ trước và tiếp tục “mò”, Công ty Luật Hòa Lợi đã gửi công văn đến Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị cung cấp hồ sơ. Tại sao vụ án giết người ngày 23-7-1970 diễn ra tại Tam Dương, Vĩnh Phú (cũ), lại đến tỉnh Bắc Ninh để tìm hồ sơ? 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện ủy quyền của ông Thêm cho biết: Chúng tôi suy diễn, tỉnh Vĩnh Phú sau này đã tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ, biết đâu hồ sơ người ta sẽ chuyển về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bị án. Rất may, suy diễn này đã đúng khi Công an tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản phúc đáp là đang lưu giữ bản án sơ thẩm số 40 ngày 19-9-1973 của TAND tỉnh Vĩnh Phú và số 153 ngày 26-6-1974 của Tòa phúc thẩm, TANDTC tại Hà Nội. 

Luật sư Vũ Lợi chia sẻ, phúc đáp này của Công an tỉnh Bắc Ninh đã mở ra một hướng đi vô cùng quan trọng. Công an tỉnh Bắc Ninh sau đó cho phía luật sư sao chụp văn bản này theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, câu trả lời về việc ông Thêm từng bị xét xử, từng bị kết án tử hình đã có. 

Từ việc khẳng định ông Thêm “có tội” đã mở ra hướng gỡ tội cho ông. Còn ông Thêm thì chia sẻ rằng, “tôi không có giấy ra tù, nên hai bản án này vô cùng quan trọng bởi nó chứng minh tôi từng bị kết tội. Tôi không gây tội, mà bị kết tội thì đó mới là căn cứ để tôi kêu oan”.

Nghe ông Thêm cùng hai người cháu là Trần Văn Năm và Trần Văn Được cùng đại diện Công ty Luật Hòa Lợi kể về “hành trình phá án” mới thấy sự tận tâm, tận lực và khả năng suy diễn logic của họ. 

Sau 40 năm ra khỏi trại giam ông Trần Văn Thêm vẫn đi đòi công lý cho mình.

Bởi, sau khi cầm trong tay hai bản án kết tội ông Thêm tử hình, họ đã đi tìm những nhân chứng là cán bộ Công an có chức vụ đã tham gia phá vụ án đêm 23-7-1970 lều cắt tóc Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú và bắt hung thủ Phùng Thanh Nhàn – kẻ gây thương tích cho ông Thêm và giết em họ ông là Nguyễn Khắc Văn. 

Đó là ông Cù Tiện, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ huy Cảnh sát  tỉnh  Vĩnh Phú, nay đã nghỉ hưu tại Khu 3, xã Vĩnh Chấn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; ông Hoàng Xuân Diệu, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tam Dương, hiện nghỉ hưu, sinh sống tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Bộ hồ sơ minh oan cho ông Thêm đã được làm dày thêm nhờ văn bản xác nhận của hai người làm chứng này.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là những người đi minh oan cho ông Thêm còn có văn bản xác nhận của bà Phùng Thị Sứng, 75 tuổi, ở thôn Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc - chị gái hung thủ Phùng Thanh Nhàn. 

Văn bản này có đoạn: "Phùng Thanh Nhàn, em trai tôi là người cướp tài sản, đánh bị thương ông Nguyễn Khắc Văn và ông Trần Văn Thêm ở lều cắt tóc Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương đêm 23-7-1970. Em tôi đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phú bắt giữ và TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử".

Chưa dừng lại ở đây, họ còn đến gặp bà Tạ Thị Tâm, vị chủ tọa trong phiên tòa sơ thẩm, xét xử ông Thêm năm 1973. Ông Trần Văn Năm, cháu ông Thêm kể: Trên đường tìm đến nhà bà Tâm, tôi bị CSGT tuýt còi và xử phạt lỗi bảo hiểm hết hạn. Trong cái rủi, có cái may, tôi hỏi nhà bà Tâm thì anh Công an này biết và chỉ đến tận nơi. Gặp lại ông Thêm, bà ấy ngạc nhiên lắm. Và đến chiều thì bà ấy cho chú cháu tôi cái giấy xác nhận, trong đó có nội dung đã xét xử ông Trần Văn Thêm.

Như vậy, việc chứng minh ông Thêm bị kết tội, bị xét xử đã xong; việc khẳng định, hung thủ gây ra cái chết cho ông Nguyễn Khắc Văn, em họ ông Thêm đêm 23-7-1970 cũng đã rõ. Đây là những chứng lý vô cùng quan trọng để chứng minh ông Thêm không gây ra cái chết của người em họ vào mùa trám năm 1970, khi cả hai lên Tam Dương mua buôn trám. 

Và việc ngày 29 Tết năm 1975, ông được trở về gia đình sau khi bị giam giữ gần 6 năm phải có lý do. Vấn đề là, tại sao sau 40 năm ra khỏi trại giam, ông Thêm vẫn tiếp tục kêu oan? Hy vọng câu trả lời sẽ có trong thời gian sớm nhất.

Cao Hồng
.
.
.