Vì sao nạn “cát tặc” ở Quảng Nam vẫn hoành hành?
- Khó xử lý dứt điểm nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai
- Tạm giữ 3 tàu cát tặc trên sông Lạch Tray
- Vì lợi nhuận, “cát tặc” bất chấp kỷ cương
Sau khi mưa lũ vừa rút, tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông tại tỉnh Quảng Nam lại diễn ra rầm rộ. Trước tình hình đó, Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuần tra kiểm soát nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp khai thác cát trái phép.
Gần đây nhất, tối 1-12 vừa qua, tổ công tác của lực lượng Cảnh sát đường thủy Quảng Nam đã bắt giữ 2 tàu hút cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa bàn xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn.
Trước đó, rạng sáng 7-11, cũng tại khúc sông này, tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân, tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành mật phục, bắt quả tang 6 tàu vỏ sắt đang khai thác cát trái phép với tổng khối lượng cát đã hút được khoảng 200m³. Đáng chú ý, một số lái tàu không có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật.
Một vụ khai thác cát trái phép bị lực lượng Cảnh sát đường thủy Quảng Nam bắt quả tang. |
Thượng tá Lê Đình Xê, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát đường thủy của đơn vị đã phát hiện, bắt quả tang 18 vụ với 20 phương tiện khai thác cát trái phép trên các tuyến sông tại Quảng Nam; bên cạnh đó còn phát hiện, bắt giữ 3 vụ vận chuyển gỗ lậu trên sông.
Thời gian đến, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Phòng CSGT tiếp tục chỉ đạo Đội Cảnh sát đường thủy tăng cường tổ chức các đợt ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông trên địa bàn Quảng Nam.
Một tuyến sông khác thời gian qua cũng là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là sông Yên, đoạn chảy qua xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, giáp ranh với xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Lợi dụng vùng giáp ranh, các đối tượng từ Đà Nẵng đã điều khiển tàu hút cát vào hút trộm cát trên sông Yên thuộc địa bàn Quảng Nam. Khi có động tĩnh, các đối tượng nhanh chóng điều khiển phương tiện về phía bên kia sông thuộc địa bàn Đà Nẵng, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam để mật phục, bắt quả tang.
Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết các đối tượng tổ chức hút cát trái phép trên sông Yên ở khu vực giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng luôn có nhiều đối tượng cảnh giới, cả dưới nước lẫn trên cạn. Hễ có bất kỳ động tĩnh nào, các đối tượng cảnh giới nhanh chóng ra hiệu để các tàu hút cát trái phép kịp thời di tản. Đặc biệt, thực tế cho thấy các đối tượng còn tỏ ra rất liều lĩnh và manh động. Khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang hành vi khai thác cát trái phép, chúng sẵn sàng đánh chìm tàu rồi nhanh chân tẩu thoát…
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến “cát tặc” vẫn liên tiếp hoành hành tại Quảng Nam là do nhu cầu cát xây dựng, san lấp lớn; thêm vào đó là giá cát đang dao động ở mức cao dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy trung bình hằng năm, nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vào khoảng 3 triệu mét khối, trong khi tổng công suất các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh này chỉ đáp ứng được khoảng 1,6 triệu mét khối.
Thêm nguyên nhân nữa khiến tình trạng khai thác cát trái phép tại Quảng Nam rất phức tạp là tại địa phương này hiện nhiều đơn vị không có mỏ khai thác cát cũng được cấp phép thành lập bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Chính điều này đã tạo ra kẽ hở, dễ biến các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng không có mỏ khai thác trở thành điểm tiêu thụ cát, sỏi của “cát tặc”.
Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ông Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trên địa bàn hiện có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát, trong khi theo quy hoạch thì có đến 10 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi.
Đó là chưa kể đến có trường hợp doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động bến bãi tập kết vật liệu đã thuê lại bến bãi của doanh nghiệp khác để hoạt động như trường hợp của Công ty TNHH MTV Cử Minh Khoa thuê lại bến bãi của Công ty Phú Quang; hay còn có trường hợp đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng thông thường, cá nhân, tổ chức đã đưa bến, bãi đi vào hoạt động như trường hợp bến, bãi tập kết vật liệu của ông Đào Văn Phương tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên…
Điều đáng nói là với những trường hợp như kể trên, các cơ quan quản lý lẫn chính quyền địa phương lại có dấu hiệu “mắt nhắm, mắt mở” mặc cho các bến, bãi vẫn vô tư hoạt động (?!).