Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Thứ Ba, 18/10/2016, 08:49
Nhiều năm trước, những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã được nhắc đến nhiều. Năm 1998, năm 2012, tại địa phương này đã từng có những cán bộ xã phải ra hầu tòa vì liên quan đến đất đai. Vậy nhưng đến tận năm 2016, hậu quả của các sai phạm thời gian trước chưa được khắc phục, bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết.

Bài 1: Khi lòng dân chưa yên

Thế nên, “cơn sóng ngầm” vẫn còn dai dẳng trong nhân dân, đẩy mâu thuẫn của người dân với chính quyền lên cao, làm giảm sút niềm tin của người dân với cán bộ địa phương.

Mong muốn được trở thành nông thôn mới theo đúng tiêu chí

Phóng viên Báo CAND tìm đến thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo đơn đề nghị của một số bà con trong thôn. Hàng chục bà con địa phương cùng lúc bày tỏ ý kiến như đã dồn nén bức xúc lâu ngày. 

Bên cạnh bức xúc của cá nhân riêng lẻ là những đề đạt nguyện vọng, mong muốn chung cho cuộc sống xã hội ở địa phương. Xã Hợp Thanh đã được công nhận là nông thôn mới, nhưng theo phản ánh của bà con thôn Phú Hiền, thôn này chưa thể coi là đạt tiêu chí của nông thôn mới dù ở ngay ngoại thành Hà Nội.

Ông Lê Văn Bổng, 75 tuổi đại diện cho những người cao tuổi trong thôn cho biết, thôn Phú Hiền trước có đình làng nhưng sau khi bị Pháp phá, chỉ còn nền đất. Sau đó chính quyền địa phương đã dựng lên một nhà văn hóa trên đất đình. Bà con trong thôn rất mong muốn có một mái đình để sinh hoạt văn hóa gắn với tín ngưỡng tâm linh. 

Từ năm 2011 bà con làm đơn xin lại đất đình, đề nghị chuyển nhà văn hóa ra một khu vực rộng rãi cùng với trường mầm non để cho trẻ em có chỗ học tập, nhân dân có chỗ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Nhưng đề nghị đó đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Khu Ba Mẫu đã bị giao không thời hạn cho ông Nguyễn Văn Tuệ.

Theo bà con cho biết, thôn Phú Hiền có gần 3.000 dân nhưng hiện không có trường mẫu giáo. Hằng ngày người dân phải đưa con em đi học ở thôn lân cận, xa nhà. Nơi xa nhất cũng phải tới chừng 3-4km, trong khi trẻ em nhỏ đều phải ông bà đưa đến trường. Từ thôn Ải ở trong núi để đến được trường học ở thôn Hợp Tiến phải mất 4km. 

Ông Nguyễn Văn Thủy ở xóm Quèn cho biết, một ngày ông phải đi đi lại lại đưa đón 3 cháu nhỏ đến trường mầm non và tiểu học. Từ nhà ông tới trường học của cháu là 3km. Còn ông Bổng tuy đã cao tuổi nhưng hằng ngày vẫn đạp xe chở cháu sang làng bên học, bất kể trời nắng mưa. 

Ông Hoàng Văn Thủy thì phải đưa cháu đến trường mẫu giáo Hợp Thanh A… Vất vả vì đưa con cháu nhỏ đi học xa nên nhiều người dân thôn Phú Hiền đồng lòng đề nghị được bố trí một trường mầm non cho các cháu nhỏ tại chính thôn mình.

Thêm một vấn đề nữa, bà Nguyễn Thị Quyện cho biết, mặc dù Phú Hiền là vùng nông thôn có diện tích đất rộng nhưng hiện thiếu chỗ chơi, rèn luyện sức khỏe cho người già, thanh niên.

Theo phản ánh, trong khi đất sử dụng cho các công trình phúc lợi thiếu thì nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị sử dụng sai mục đích, một số khu vực là đất thổ canh bị người dân xây nhà kiên cố mà nhiều năm qua chưa bị xử lý. Cán bộ để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất cũng chưa bị xử lý, làm rõ trách nhiệm…

Đề nghị làm rõ nhiều sai phạm

Địa điểm mà nhiều người dân thôn Phú Hiền đề nghị được xây nhà văn hóa, xây trường học cho trẻ mầm non là khu vực ao Cửa Làng 3 mẫu mà thôn, xã đã từng giao đất lâu dài cho ông Nguyễn Văn Tuệ từ năm 2005 với số tiền 60 triệu đồng. 

Chúng tôi được biết, đây là một trong những phản ánh của bà con Phú Hiền về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của thôn và xã. Đặc biệt, diện tích đất này đã có quyết định thu hồi của UBND huyện Mỹ Đức nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Đất ở khu vực Gốc Vừng đã xây nhà kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Hảo ở thôn Phú Hiền cùng một số bà con đã phản ánh một số sai phạm khác xảy ra tại địa phương. Điển hình như 13ha ở khu vực X5 bán sai thẩm quyền chưa thu hồi được. Khu La Dinh và núi đá Ngang có diện tích khoảng 10ha là đất thổ canh ở khu núi đá đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, một số diện tích được xây nhà kiên cố, thậm chí là cấp sổ đỏ. Khu Hang Châu hơn 30ha vốn là đất khai hoang của người dân Phú Hiền, nhưng từ năm 1995, chính quyền xã thu lại và đấu thầu thu tiền…

Ông Nguyễn Xuân Chỉnh có đơn phản ánh và cho rằng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh đã biến đất công thành đất tư đối với các vị trí đất, để cho nhiều hộ dân làm nhà cao tầng từ nhiều năm nay như: ao Dộc, khu hang Hùm, khu gốc Vừng, khoang Đầm…

Đối với đơn thư đề nghị của người dân, chúng tôi được biết UBND huyện Mỹ Đức đã nhiều lần giải quyết trường hợp liên quan đến nhà ông Chỉnh. Liên tiếp trong một thời gian ngắn vào tháng 3-2016, UBND huyện Mỹ Đức đã có 4 quyết định giải quyết đơn khiếu nại của ông Chỉnh. 

Tuy nhiên, ông Chỉnh lại cho rằng, do báo cáo của UBND xã Hợp Thanh không đúng sự thật đã dẫn đến các quyết định của UBND huyện Mỹ Đức cho rằng gia đình ông lấn chiếm đất công. Từ những bất đồng trong cách giải quyết giữa người dân và chính quyền xã đã dẫn đến mâu thuẫn, gây bất ổn cho tình hình an ninh ở địa phương.

Một thôn được coi là có diện tích lớn nhất nhì trong xã lại không có công trình phúc lợi, không trường mầm non, trong khi nhiều diện tích đất công lại bị bán trái phép. 

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh cho biết: “Nhà văn hóa xây từ năm 1986 hiện đang xuống cấp. Phú Hiền dồn ô đổi thửa để lại quỹ đất xây trường mầm non và chuyển nhà văn hóa ra khu vực cách ao Ba Mẫu vài chục mét, nhưng người dân không thích mà yêu cầu được xây ở khu Ba Mẫu. Khu này hiện ông Nguyễn Văn Tuệ vẫn đang sử dụng, huyện đã ra quyết định thu hồi rồi nhưng ông Tuệ không chấp nhận mà đang khiếu kiện lên trên”- ông Tiệp giải thích.

Trong nhiều năm qua, UBND xã Hợp Thanh đã buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra hàng loạt sai phạm gây bức xúc dư luận. Cho dù ông Phạm Ngọc Thạch, nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh đã bị xử lý sau phiên tòa do TAND huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhưng cho đến nay, việc khắc phục hậu quả lại chưa được xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.