“Vàng tặc” gây ô nhiễm nguồn nước sông Cu Đê
- "Vàng tặc" thời sốt vàng
- Vì sao nạn "vàng tặc" ở Quảng Nam vẫn dai dẳng?
- Truy quét “vàng tặc” ở núi Định Yên
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cho biết, lợi dụng trong thời gian Đà Nẵng giãn cách phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đối tượng “vàng tặc” tập kết máy móc, thiết bị, đưa lương thực, thực phẩm vào khu vực Khe Đương, nhất là Tiểu khu 27, 29 thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang để khai thác vàng trái phép.
Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra khá phức tạp; các đối tượng “vàng tặc” rất manh động, ngang nhiên dựng lán trại để “bám trụ” dài ngày tại khu vực trên.
Từ giữa tháng 8/2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 3 đợt truy quét phá hủy nhiều lán trại, đường ống dẫn nước, thu hàng trăm lít dầu diesel cùng nhiều máy móc, dụng cụ của “vàng tặc”.
Gần đây nhất, trong các ngày 4 và 5/9, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và UBND xã Hòa Bắc tuần tra, truy quét phát hiện tại khoảnh 8, Tiểu khu 29 có 3 hầm vàng mới đang trong quá trình nạo vét để khai thác.
Máy móc, phương tiện tại một lán trại “vàng tặc” ở Khe Đương. |
Ngoài ra còn có 1 lán trại, 2 xe rùa, cùng nhiều lương thực thực phẩm, nhiên liệu, dụng cụ phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Riêng máy móc, thiết bị đã được các đối tượng tháo dỡ, tẩu tán khỏi hiện trường. Đặc biệt, khi phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng “vàng tặc” lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa gió, để trốn vào rừng…
Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, việc khai thác vàng trái phép ở Khe Đương đã âm ỉ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, các lực lượng từ huyện đến xã liên tục tuần tra; song cũng đã gặp không ít khó khăn, vì đối tượng “vàng tặc” thấy động là bỏ trốn vào rừng, đến khi lực lượng tuần tra rút đi lại quay ra tiếp tục khai thác vàng.
Từ đầu tháng 6/2020, qua kiểm tra, UBND huyện Hòa Vang đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cho phép cơ quan chức năng dùng thuốc nổ để đánh sập 21 hầm khai thác vàng trái phép tại khu vực Khe Đương và tiểu khu 39, xã Hòa Bắc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 21 hầm (có chiều rộng từ 1m-1,5 m, dài từ 50m đến 100m) sử dụng vào mục đích khai thác vàng trái phép.
Trong đó, khu vực thuộc quản lý của UBND xã Hòa Bắc có 10 hầm; khu vực quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa có 2 hầm và khu rừng do Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng quản lý có 9 hầm. Đa số các hầm khai thác từ lâu đã cũ.
Đặc biệt, quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số hầm có dấu hiệu khai thác mới tại khu vực Khe Đương và tại tiểu khu 39, có lán trại nhưng đã bị tháo dỡ, không có con người và máy móc. Ngoài ra, tại khu vực của Công ty Bông Sen Vàng, phát hiện 2 lán trại được dựng bằng khung thép…
Trao đổi về việc “vàng tặc” hoạt động ở thượng nguồn sông Cu Đê, ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TN&MT) huyện Hòa Vang cho rằng, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê, nếu khu vực Khe Đương khai thác vàng thì nguồn nước cho nhà máy bên dưới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, hóa chất lẫn trong nguồn nước rất độc hại, dù khai thác vàng bằng công nghệ gì đi chăng nữa.
Do đó, đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét lại sự tác động cũng như những ảnh hưởng về ANTT, môi trường, về kết quả kinh tế đem lại cho thành phố, cần cân nhắc việc này.
Trong khi đó, những ngày này, Nhà máy nước Hòa Liên, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng, đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành vào cuối tháng 6/2021 như dự kiến. Vị trí lấy nước thô cho nhà máy nước Hòa Liên chỉ cách Khe Đương khoảng 10km về phía núi.
“Quy trình khai thác vàng của “vàng tặc” luôn sử dụng hóa chất độc hại, tàn phá, hủy hoại môi trường. Nếu việc khai thác vàng trái phép cứ tái diễn, không có biện pháp ngăn chặn triệt để thì khi Nhà máy nước Hòa Liên đi vào hoạt động hậu quả sẽ khó lường”, ông Toại nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng cho rằng, thượng nguồn sông Cu Đê cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên, do đó việc tổ chức kiểm tra, truy quét “vàng tặc” tại Khe Đương phải tổ chức thường xuyên. Sau đợt truy quét vừa qua, riêng lực lượng Kiểm lâm TP sẽ tiếp tục tổ chức chốt chặn tại các điểm cần thiết để kịp thời ngăn chặn, không cho các đối tượng “vàng tặc” quay trở lại vào rừng để khai thác vàng trái phép.
Về lâu dài, đề nghị UBND TP và các ngành chức năng nhanh chóng cho đánh phá sập tất cả các lò, hầm khai thác vàng ở Khe Đương; đồng thời, thành lập tổ liên ngành để tiếp tục chốt chặn lâu dài, đảm bảo an ninh nguồn nước thượng nguồn sông Cu Đê…