Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà liên kết cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan

Thứ Tư, 23/08/2017, 09:43
Mới đây, Thanh tra Bộ GD & ĐT đã kết luận về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ (NLNN) tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà, có địa chỉ tại đường Ngô Gia Tự, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).

Điều đáng nói là Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà không được giao nhiệm vụ đánh giá NLNN, nhưng đã liên kết với ĐH Vinh và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh để tổ chức ôn tập, thi, đánh giá NLNN một cách vô tội vạ, bất chấp những quy chế ràng buộc.

Theo Thanh tra Bộ GD & ĐT, 2 đơn vị mà Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà liên kết tổ chức thi đánh giá NLNN là 2/10 đơn vị được Bộ GD & ĐT công nhận năng lực khảo thí để triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (theo Thông báo số 42/TB-BGDĐT ngày 11-1-2013 về công nhận năng lực khảo thí của ĐH Vinh và Thông báo số 826/TB-BGDĐT ngày 5-8-2011 về việc công nhận năng lực khảo thí của ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Nhưng việc Sở GD & ĐT Bắc Ninh, ĐH Vinh căn cứ vào Thông báo số 42 để tổ chức ôn tập, thi đánh giá NLNN cho các địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giao. Sau khi Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà thông báo tuyển sinh, đã có 827 thí sinh đăng ký ôn tập và thi ngày 16-4-2017.

Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà.

Tuy nhiên, việc quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà trong công tác tuyển sinh, thu lệ phí không chặt chẽ (thông báo tuyển sinh, thu lệ phí ôn tập, lệ phí thi trước khi ký hợp đồng với ĐH Vinh). Việc tuyển sinh và thu lệ phí qua nhiều khâu trung gian; một số học viên phải nộp số tiền cao hơn so với quy định trong hợp đồng.

Hồ sơ lưu tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà có 33 giấy nộp tiền mặt, mỗi giấy có 1 người đại diện nhóm học viên ký nộp tiền, không ghi đầy đủ thông tin về người nộp tiền (có nhóm thi chứng chỉ A2, nộp 2,5 triệu đồng/người; có nhóm cũng thi A2, nộp 4 triệu đồng/người); học viên nộp lệ phí ôn tập đều không được cấp biên lai thu tiền.

Quá trình tổ chức thi còn nhiều thiếu sót như: Chưa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thi và thành lập đoàn thanh tra coi thi, thiếu thành phần là cán bộ Công an theo quy định tại Quyết định số 304; cơ sở vật chất và thiết bị cho kỳ thi chưa đảm bảo.

Đặc biệt, không thanh tra việc sao in đề thi, số lượng đề thi trong ngân hàng đề thi ít, phần thi đọc - hiểu của mỗi trình độ chỉ có một mã đề thi nên chưa đánh giá được khách quan về năng lực của thí sinh; có tình trạng thí sinh trao đổi, chép bài của nhau.

Tương tự, kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, việc Sở GD&ĐT Bắc Ninh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh căn cứ Thông báo số 826 để cho phép Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà phối hợp và tổ chức thi đánh giá NLNN cho các địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giao.

ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chưa ban hành quy định về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ NLNN theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để áp dụng cho kỳ thi ngày 12-3-2017 với 221 thí sinh và kỳ thi ngày 26-3-2017 với 212 thí sinh, chưa ban hành quy định về định dạng đề thi.

Cũng giống như khi Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà liên kết với ĐH Vinh, việc tuyển sinh khi liên kết với ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng thông qua nhiều khâu trung gian, một số học viên phải nộp tiền cao hơn so với quy định, chứng từ thu tiền lệ phí không đúng quy định của pháp luật về kế toán, không hạch toán thu chi theo quy định của luật kế toán.

Thành phần coi thi không có cán bộ Công an và nhân viên y tế theo đúng quy định; mỗi bài thi chỉ có một mã đề thi chính thức. Có 8/14 cán bộ chấm thi có trình độ NLNN bậc 5 là chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD & ĐT…

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà rà soát, báo cáo toàn bộ hoạt động liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tuyển sinh, ôn tập, thi đánh giá NLNN từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2017; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân đã xảy ra thiếu sót, sai phạm và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT.

Đối với trường ĐH Vinh và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác thanh kiểm tra, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các đơn vị, đảm bảo đủ năng lực để công tác tuyển sinh, ôn tập, thi khách quan, chính xác, không ảnh hưởng đến uy tín của trường và gây bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở GD&ĐT Bắc Ninh tăng cường quản lý nhà nước đối với Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà theo phân cấp; rà soát và nghiêm túc rút kinh nghiệm việc cho phép liên kết, phối hợp trong việc tổ chức ôn tập, thi đánh giá NLNN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; có biện pháp thanh kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền.

Tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường

Ngay sau khi Thanh tra Bộ kết luận về vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã ký văn bản yêu cầu Cục Quản lý chất lượng, tham mưu, hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (NLNN) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo hướng quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn đối với đơn vị tổ chức thi, đảm bảo chất lượng và có thể kiểm chứng khi cần thiết, tránh độc quyền.

10 trường được Bộ công nhận năng lực khảo thí để triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ NLNN ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ, cho đến khi Bộ có quy định cụ thể về việc này.

10 trường đó gồm: ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Semeo Retrac, ĐH Vinh, ĐH Thái Nguyên.

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.