“Trái đắng” cho nhiều người tham gia sàn giao dịch ảo Coolcat

Chủ Nhật, 25/04/2021, 09:18
Bỏ ra tiền tỷ để nạp tiền vào "app đầu tư tài chính" Coolcat, hàng ngàn người đang như "ngồi trên đống lửa" vì ứng dụng - sàn giao dịch này đột nhiên không thể truy cập,  những người đại diện của sàn cũng biến mất... Chưa có thống kê đầy đủ, song ước tính số tiền người dân nộp vào sàn giao dịch vàng, tiền ảo và USD được cam kết bảo hiểm 100%... lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sáng 24/4, nguồn tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã nhận được nhiều đơn tố cáo về việc ứng dụng Coolcat có dấu hiệu lừa đảo. Hiện Văn phòng Cơ quan CSĐT đang xác minh các đơn tố cáo về vụ việc này để giải quyết đơn thư tố cáo theo quy định của pháp luật.

App Coolcat...

Trước đó, vào ngày 23/4, cảnh tượng hàng trăm người dân tìm đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP Hồ Chí Minh) để nộp hơn 450 đơn tố cáo việc bị ứng dụng Coolcat lừa đảo đã phần nào cho thấy sự phức tạp và hậu quả nặng nề của vụ việc này.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND thì với ứng dụng - sàn giao dịch Coolcat này, người chơi trên khắp cả nước đã lập những nhóm nhỏ theo từng khu vực tỉnh, thành để cùng chơi, đầu tư. Nhưng hiện, các tên miền coolcat.vn, coolcat.com.vn, coolcat.link, coolcatapp.com đều không thể truy cập được.

"Với phương thức chỉ cần mở điện thoại bấm là có tiền… nên tôi cũng như nhiều người tới đây đã không lường được hậu quả hôm nay. Tôi còn rủ mấy đứa em vào chơi, mới nạp vô mấy trăm triệu thì app sập", chị Th. (36 tuổi, TP Hồ Chí Minh) tỏ rõ sự lo lắng.

Chia sẻ xung quanh vụ việc, chị M.T(TP Hồ Chí Minh) cho biết đang rất lo vì không biết nói sao với gia đình về việc này. Vào đầu tháng 2/2021, chị lấy 115 triệu đồng của nhà rồi vay thêm 50 triệu để nạp vào Coolcat. Sau tuần đầu nhận được lợi nhuận, chị tiếp tục liều "chơi tiếp" 400 triệu đồng nữa với suy nghĩ sẽ kiếm được số lợi nhuận lớn rồi rút cả vốn lẫn lời về. Nhưng thực tế, sau vài lần lấy được số lợi nhuận khoảng vài chục triệu đồng, thì app này bất ngờ biến mất.

Chung cảnh ngộ, chị X.M cũng góp chuyện: "Bên cạnh việc vay ngân hàng, tín dụng để có tiền chơi thì nhiều người đã bán, thế chấp đất đai để có số vốn lớn nạp vào app Coolcat… nên khi app này sập nguồn, mọi người tham gia vào sàn này rất hoang mang, lo lắng. Có người đã nghĩ đến chuyện tiêu cực, không muốn sống nữa"…

Cũng giống như ngày 23/4 kể trên,vào ngày 19/4, hơn 60 người cũng đã tới nộp đơn tố cáo Coolcat cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh. Chưa có thống kê đầy đủ, song ước tính số tiền người dân nộp vào sàn ứng dụng Coolcat lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, từ đầu năm, Coolcat đã tung các quảng cáo giới thiệu là công ty bảo hiểm giao dịch đầu tư, hoạt động đã hơn 5 năm, có tập đoàn mẹ ở Anh và được cấp phép bởi Ủy ban Chứng khoán Bahamas (SCB). Tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở của Coolcat được giới thiệu nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Sàn giao dịch này được quảng cáo là "sàn thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác được ủy quyền và quản lý bởi SCB, kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai và minh bạch".

...và bảng hoa hồng khiến nhiều người mắc bẫy.

Trên website của Coolcat trước đó cũng đăng tải nội dung giới thiệu rằng họ phát triển khắp thế giới với 6 triệu thành viên, được cơ quan quản lý tài chính các nước đánh giá cao. Coolcat tự nêu là công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam nên "an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ"(?!).

Những người tham gia đầu tư loại hình này cho biết, khi đầu tư vào Coolcat, nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ hai nguồn chính là: Thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý. Khi tham gia Coolcat, nhà đầu tư tải phần mềm Coolcat vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân.

Mỗi người được cấp một mã số (ID) riêng. Có 6 gói bảo hiểm (cấp 1 đến cấp 6) để mọi người lựa chọn với cam kết "vừa bảo hiểm 100% vốn, vừa nhận lãi mỗi ngày". Gói thấp nhất có giá 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân do Coolcat đưa ra.

Mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ "đánh hộ" ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.

Với tâm lý "được bảo hiểm 100%" nên nhiều nhà đầu tư đã nạp hàng trăm triệu cho Coolcat trong hai ngày 14 và 15/4. Có người còn chưa kịp trải nghiệm bấm đoán giá thì app đã sập. Và khi các nhà đầu tư vội vã tìm đến trụ sở Coolcat ở quận Bình Thạnh mới biết đây chỉ là địa chỉ ảo.

Ngoài việc chỉ "bấm" điện thoại để hưởng lãi, nhà đầu tư còn kiếm tiền bằng cách giới thiệu thành viên mới cho Coolcat, hoa hồng lên đến 1,8 triệu đồng mỗi lần. Một ngày trước khi không thể truy cập, hôm 15/4, Coolcat thông báo nâng tiền hoa hồng lên đến 46 triệu đồng. Chính "mồi câu" nặng ký này đã lôi kéo các thành viên ồ ạt mời người quen tham gia, để nhận tiền môi giới…

Theo các chuyên gia tài chính, sàn giao dịch tài chính nói chung và sàn giao dịch ngoại hối nói riêng luôn luôn tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư. Với Coolcat được quảng bá là bảo hiểm vốn 100% - có thể đây là một cách mới để dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư tham gia. Bởi như trên đã đề cập, khi người chơi thua lỗ 6 lệnh liên tiếp và gửi yêu cầu đến bên bảo hiểm thì sẽ nhận lại 100% số tiền đã thua trước đó. Có thể nói, với lời quảng bá có ý là khi giao dịch thắng, nhà đầu tư sẽ nhận được tiền và cả khi thua, nhà đầu tư cũng hoàn toàn không mất tiền!?

Nếu đúng như lời khẳng định "bảo hiểm vốn 100%" của sàn này, câu hỏi đặt ra là chủ sàn này lấy tiền đâu để hoàn trả cho chủ đầu tư với kiểu thắng và thua đều không mất tiền như vậy?!

Nhiều người sau khi mất tiền mới "ngộ" ra, về mặt pháp lý, trong dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, không có tên Công ty Bảo hiểm Coolcat hay bất kỳ công ty nào có tên Coolcat. Hiện nay, do chưa có khung pháp lý hoàn thiện để kiểm soát, nên với các sàn giao dịch ảo kiểu này thường phải đến khi có hậu quả xảy ra như: Những người sáng lập, đại diện sàn bỏ trốn, app bị sập, tiền của nhà đầu tư thứ cấp bị chiếm đoạt… thì mới có thể xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo luật sư Phan Hoàng Khánh Nguyên (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), Coolcat hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ dùng thủ đoạn gian dối lừa người dùng nộp tiền, rồi chiếm đoạt, là có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

"Để bảo đảm quyền lợi của mình, những người tham gia Coolcat nên tiếp tục làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an đề nghị điều tra, làm rõ và khởi tố vụ án, đặc biệt tập trung vào đầu mối là những cá nhân đứng tên các tài khoản ngân hàng nhận tiền đầu tư Coolcat", một cán bộ điều tra đề nghị.

Phú Lữ - Nam Phạm
.
.
.