Thu hồi dự án “treo” để tránh lãng phí tài nguyên đất

Thứ Bảy, 15/02/2020, 09:58
Tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có không ít dự án “treo” gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, thậm chỉ ảnh hưởng đến “an cư, lạc nghiệp” của người dân trong vùng quy hoạch dự án.


Điển hình, KKT Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 2006, với diện tích hơn 27.108ha, thuộc địa bàn huyện Phú Lộc. Sau 14 năm đi vào hoạt động, KKT này đã thu hút được 46 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 80 nghìn tỷ đồng.

Ngoài các dự án lớn như Laguna Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô và một số khu phức hợp du lịch, theo quy hoạch, tại đây sẽ có KCN, khu phi thuế quan, dịch vụ hậu cần cảng. Tuy nhiên, hiện ngoài cảng Chân Mây thì ở khu vực này vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng, không có dự án lớn nào đi vào hoạt động.
Hơn 130ha đất ở KCN Quảng Vinh bị bỏ hoang lãng phí do thiếu dự án đầu tư.    

Ngược lại, có nhiều dự án đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép đầu tư, nhưng chủ đầu tư không thực hiện dẫn đến bị “treo”, gây lãng phí tài nguyên đất. Mới đây, Ban Quản lý KKT, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định thu hồi 6,3ha đất thuộc giai đoạn 2 của dự án khu biệt thự Làng Xanh Lăng Cô, do Công ty liên doanh Làng Xanh Lăng Cô đầu tư xây dựng tại bãi biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc nhưng chậm thực hiện. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thu hồi hàng loạt dự án “treo” tại KKT này, như dự án khu biệt thự, du lịch sinh thái biển Lăng Cô, sân golf Lập An, nhà máy cơ khí Chân Mây…

Ngoài KKT Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn có 6 KCN lớn gồm: Phú Bài (thị xã Hương Thủy); Tứ Hạ (thị xã Hương Trà); Phong Điền (huyện Phong Điền); La Sơn (huyện Phú Lộc); Phú Đa (huyện Phú Vang) và Quảng Vinh (huyện Quảng Điền), với tổng diện tích quy hoạch hơn 2.393ha.

Đến tháng 2-2020, còn hơn 100 dự án lớn nhỏ được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép đầu tư xây dựng trên 1.225ha đất tại các KCN này còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 19.000 tỷ đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do nên nhiều dự án được cấp phép đầu tư tại các KCN trên vẫn “án binh bất động” do nhà đầu tư thiếu tiềm lực, không triển khai dẫn đến đất quy hoạch trong KCN bỏ hoang.

Cụ thể, KCN Quảng Vinh thành lập từ năm 2013, thuộc địa phận 2 xã Quảng Vinh và Quảng Lợi, huyện Quảng Điền. Với định hướng trở thành KCN đa ngành, thế nhưng sau 7 năm hình thành thì đến nay KCN này vẫn là khu đất trống hoang hóa do chưa có bất cứ công trình, hạng mục nào được đầu tư tại đây. Dọc tuyến đường tỉnh lộ 11A nối dẫn với KCN này vừa được UBND huyện Quảng Điền đầu tư xây dựng, mặt đường rộng 10m nhưng chỉ có vài trụ điện và những cột mốc bê tông phân lô.

Ông Nguyễn Dũng (ở thôn Phổ Lại, xã Quảng Vinh) cho biết, cách đây gần 10 năm, được chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình ông đã ra vùng rú cát này cải tạo làm trang trại chăn nuôi gà vịt, gia súc. Sau ngày KCN Quảng Vinh được thành lập thì nhiều diện tích đất do ông cải tạo bị quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được giải tỏa, đền bù.

“Giờ nhà cửa của tôi và nhiều hộ dân nằm trong vùng KCN này nhưng không thể cơi nới, xây dựng vì dính quy hoạch. Chỉ mong sao KCN sớm đi vào hoạt động chứ kéo dài như thế này vừa lãng phí tài nguyên đất mà dân chúng tôi lại không ổn định được cuộc sống”, ông Dũng bày tỏ.

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nói rằng, dù địa phương đã nỗ lực xúc tiến, kêu gọi nhưng hiện KCN Quảng Vinh đang thiếu các công ty, doanh nghiệp tìm đến đầu tư dự án. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng KCN còn thiếu, hệ thống đường giao thông chưa hoàn chỉnh, hệ thống nước sạch, xử lý nước thải chưa được xây dựng, đấu nối khiến nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” dù trước đó địa phương đã chi khoảng 20 tỷ đồng để làm các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng tại đây. Đây chính là thực trạng khiến khu đất rộng 130ha của KCN Quảng Vinh bị bỏ hoang nhiều năm, khiến người dân bức xúc.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trao đổi, qua công tác kiểm tra, giám sát, đến đầu năm 2020, tỉnh đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đối với 24 dự án “treo”, chậm triển khai trên địa bàn.

Trong đó, có 7 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt bị thu hồi, gồm: Khu du lịch quốc tế Thuận Phong của Công ty CP TMDV Thuận Phú; nhà máy chế biến cát trắng của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương; nhà máy chế biến cát trắng Phong Điền của Công ty CP Công nghệ khoáng sản Phú Thịnh; nạo vét thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền - Tư Dung và Thuận An để xuất khẩu của Công ty CP Khai thác khoáng sản 55…

Ngoài ra, 3 dự án khác hết thời hạn hoạt động, doanh nghiệp không triển khai nên tỉnh đang hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh giãn tiến độ nhiều lần là do nhà đầu tư không nắm rõ quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai dự án, đề xuất tiến độ thực hiện dự án chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính dẫn đến dự án bị “treo” nhiều năm buộc tỉnh phải thu hồi. Vì thế, trong năm 2020, các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng cam kết đầu tư thì tỉnh sẽ kiên quyết xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, sử dụng đất, làm căn cứ xử lý ở những giai đoạn tiếp theo đúng với quy định pháp luật hiện hành.

Những dự án chậm tiến độ, bị “treo” nhiều năm sẽ được thu hồi để tránh gây lãng phí tài nguyên đất và dành cơ hội đầu tư cho những dự án khác có triển vọng hơn.

Anh Khoa
.
.
.