Sớm giải quyết thỏa đáng về bảo hiểm tàu cá cho ngư dân

Thứ Năm, 20/09/2018, 07:24
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, ngư dân Quảng Bình vượt qua khó khăn tiếp tục ra khơi bám biển. Những chuyến tàu cập bờ đầy ắp thủy hải sản đã giúp ngư dân ngày thêm vững tâm làm giàu từ biển. Để bảo vệ những con tàu trị giá tiền tỷ, đề phòng phong ba bão táp trên biển, nhiều ngư dân Quảng Bình đã mua bảo hiểm tàu cá theo chủ trương chung của nhà nước.

Điều đáng nói, khi nhiều tàu cá ngư dân gặp nạn, viện cớ nhiều lý do bên bảo hiểm đã chối từ đền bù cho ngư dân. Nhiều ngư dân Quảng Bình đang gặp khó khăn bên hồ sơ bảo hiểm và con tàu đắm của mình.

Đã gần một năm nay, ông Phạm Ngọc Cường, trú xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình ôm hồ sơ bảo hiểm tàu cá chạy khắp các cơ quan chức năng địa phương và Công ty Bảo Việt Quảng Bình (Công ty BVQB) để mong được bồi thường cho tàu cá QB93192 của mình bị đắm trên biển. Quãng đường từ nhà ông Cường đến nơi đặt trụ sở Công ty BVQB và các ngành liên quan hơn 70km, nhưng ông vất vả, bỏ hết công việc để lặn lội đi đòi quyền lợi. Nhìn gương mặt khắc khổ của người ngư dân một đời quăng quật trên biển chúng tôi thấy thật ái ngại.

Cầm chồng hồ sơ bảo hiểm đưa cho chúng tôi, ông Cường nói trong nước mắt: “Khi nhân viên bảo hiểm đến tư vấn, bán cho ngư dân thì họ săn đón, điện thoại liên tục, nhưng khi tàu cá chúng tôi gặp nạn đòi quyền lợi thì lãnh đạo và nhân viên bảo hiểm cứ đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho ngư dân rồi tìm cách thoái thác trách nhiệm”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 18-9-2017, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá QB 93192 TS cho chủ tàu là ông Phạm Ngọc Cường. Đến ngày 20-9-2017, Phó Giám đốc Công ty BVQB là ông Trần Nguyễn Trường Sơn đã ký cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho tàu cá QB 93192 TS do ông Phạm Ngọc Cường làm chủ tàu với số tiền bảo hiểm là 3 tỷ đồng và phí bảo hiểm là 90 triệu đồng (chia làm 2 kỳ đóng).

Khoảng 9 giờ ngày 8-1-2018, tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường đang đánh bắt trên vùng biển cách cửa Gianh Quảng Bình khoảng 10 hải lý thì bất ngờ bị tàu hàng Hùng Khánh 86 ở Hải Phòng đâm chìm hoàn toàn. Sau khi xảy ra sự việc, ông Phạm Ngọc Cường đã báo cho cán bộ khai thác bảo hiểm của Công ty BVQB, đồng thời ông nhiều lần gặp lãnh đạo Công ty BVQB để yêu cầu được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường thiệt hại cho tàu cá QB 93192 TS của ông bị đâm chìm. Tuy nhiên lấy lý do ông Cường chưa đóng phí kỳ 2 bảo hiểm nên Công ty BVQB đã từ chối bồi thường tổn thất cho tàu cá của ông Cường.

Gia đình ông Phạm Ngọc Cường lặn lội gần cả năm để đi đòi quyền lợi bảo hiểm chính đáng cho con tàu của mình.

Trong quá trình tìm hiểu nội dụng sự việc, chúng tôi được biết, việc Công ty BVQB chối từ chi trả bảo hiểm cho ngư dân Phạm Ngọc Cường là không thỏa đáng. Bởi sai sót về việc đóng phí của ông Cường phần lỗi hoàn toàn do nhân viên của Công ty BVQB gây ra. Theo quy định đến kỳ hạn ngư dân đóng phí bảo hiểm, hoặc có vướng mắc gì liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thì Công ty BVQB có thông báo gửi đến các chủ tàu mua bảo hiểm. Song lẽ ra gửi thông báo cho ông Cường thì nhân viên Công ty BVQB lại không gửi mà đi gửi nhầm về địa chỉ cho người khác nên ông Cường đi biển không biết đến kỳ mình đóng phí. Và khi tàu cá gặp nạn, tiến hành làm thủ tục để được chi trả bảo hiểm thì ông Cường chỉ nhận được cái lắc đầu của lãnh đạo Công ty BVQB.

Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất ở Quảng Bình ngư dân đang phải đối mặt mất trắng quyền lợi khi mua bảo hiểm. Thời gian qua, không ít ngư dân Quảng Bình cũng như một số tỉnh miền Trung đã rớt nước mắt bên tàu đắm, còn công ty bảo hiểm thì làm ngơ, bởi khi mua bảo hiểm, nhiều nhân viên tư vấn luôn tư vấn một cách qua loa cho ngư dân miễn sao bán được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, do nhiều ngư dân đi biển dài ngày, nên khi các công ty bảo hiểm báo đến hạn đóng phí ngư dân chưa kịp vào bờ để đóng đã bị công ty bảo hiểm khoanh sổ chấm dứt hợp đồng… Thiết nghĩ Tổng Công ty Bảo Việt cần sớm vào cuộc phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương để có giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân.

Dương Sông Lam
.
.
.