Sẽ còn nhiều giáo viên ở Thanh Hóa bỗng dưng mất việc
Trong công văn này đề cập, thực hiện Công văn số 7369/UBND-THKH ngày 27-7-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động và bổ nhiệm chức danh phó trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7-4-2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Thông báo số 139 của Huyện ủy, theo rà soát của UBND huyện Vĩnh Lộc, 376 người có hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các trường học (gồm các khối mầm non, tiểu học, THCS), toàn bộ số hợp đồng này hết hạn từ ngày 30-6.
Các giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc lo lắng vì không được tiếp tục ký hợp đồng. |
Việc UBND huyện Vĩnh Lộc thông báo không ký lại hợp đồng khiến gần 400 giáo viên hoang mang, lo lắng. Được biết, trong số 376 giáo viên hết hạn hợp đồng nói trên, nhiều người đã công tác trong ngành hơn chục năm.
Mức lương mà UBND huyện Vĩnh Lộc trả cho các giáo viên trên là 1,5 triệu đồng/tháng đối với trình độ trung cấp; 1,6 triệu đồng/tháng đối với trình độ cao đẳng.
Những người có bằng đại học được trả 1,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền trên chưa được đóng BHYT, BHXH, các giáo viên phải tự bỏ tiền để đóng các khoản trên nên số tiền thực tế họ nhận được hàng tháng chỉ khoảng 1 triệu đồng. Với số tiền trên, các giáo viên đều phải trồng trọt, chăn nuôi thêm mới có thể sống được. Dù vậy, họ vẫn đi dạy, nuôi hi vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn và có tiền lương hưu sau này.
Theo phản ảnh của những giáo viên trên, việc UBND huyện chấm dứt hợp đồng với họ là vội vàng, chưa tiến hành thương lượng mức hỗ trợ đối với giáo viên. Trong khi đó, hầu hết số giáo viên hợp đồng đều có độ tuổi trên dưới 30, phần lớn có trình độ ĐH, CĐ sư phạm, đã đứng lớp nhiều năm nên bây giờ chuyển đổi nghề nghiệp rất khó khăn.
Được biết, thời gian vừa qua, rất nhiều huyện trong tỉnh Thanh Hoá đã ký hợp đồng theo dạng “năm một” (1 năm ký 1 lần) với các giáo viên với nhiều điều khoản không có lợi cho người lao động. Vì muốn có việc làm phù hợp với ngành nghề đã học, nên không còn cách nào khác, các giáo viên này đều phải ký theo phương thức trên.
Theo ước tính của lực lượng chức năng, hiện số giáo viên dôi dư (ký hợp đồng 1 năm/ lần) với các huyện, trường trong tỉnh Thanh Hoá lên đến nhiều nghìn người. Huyện Vĩnh Lộc là huyện được chỉ đạo “làm điểm” việc thực hiện không tiếp tục ký hợp đồng lao động với các giáo viên.
Theo lộ trình, các huyện khác sẽ tiếp tục rà soát, không tiếp tục ký hợp đồng với số giáo viên trong diện trên. Như vậy, nguy cơ nhiều nghìn giáo viên sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn gia đình. Đây cũng là bài toán mà tỉnh Thanh Hoá cần tính đến.
Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Thanh Hoá cũng rà soát, làm rõ quy trình ký hợp đồng đối với các giáo viên, bởi theo phản ánh của nhiều người thì mặc dù đang thừa giáo viên nhưng nhiều địa phương vẫn tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên khác dẫn đến việc tích luỹ thừa thành con số lớn như hiện nay.