Ruộng vườn nằm gần mỏ đá vôi bị sụt lún bất thường

Chủ Nhật, 09/06/2019, 00:31
Thời gian qua, nhiều diện tích đất sản xuất, vườn tược của người dân xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm gần mỏ đá vôi của Công ty CP xi măng Đồng Lâm (gọi tắt Công ty Đồng Lâm) xuất hiện hố sụt lún. Hiện tượng bất thường này đã kéo dài và ngày càng lan rộng khiến người dân vô cùng hoang mang...


Người dân xã Phong Xuân cho biết, cánh đồng Mỏm Lang trước đây rất trù phú và mỗi vụ thu hoạch, lúa ở cánh đồng này đều đạt năng suất cao. Tuy nhiên từ năm 2014, khi mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm được cấp phép và đi vào hoạt động khai thác thì cánh đồng này bắt đầu xuất hiện các hố sụt lún. Dù người dân đã san lấp các hố này nhưng những ngày gần đây, nhiều mảnh ruộng của các hộ dân nằm cách mỏ đá vôi không xa lại xuất hiện thêm các hố sụt lún mới. 

Ông Thái Văn Niên, ở thôn Điền Lộc, dẫn chúng tôi ra mảnh ruộng ở cánh đồng Mỏm Lang, nơi có nhiều hố sụt lún sâu hoắm. Ông Niên cho biết, ruộng của gia đình ông cách mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm chỉ khoảng 300m. Khoảng 2 tuần trước, khi ông làm ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ Hè Thu thì một khoảng đất sát bờ ruộng bỗng nhiên sập xuống với độ sâu 1m, rộng 2m, sau đó ông đã báo sự việc đến chính quyền địa phương. Ngoài ruộng của ông Niên, nhiều diện tích ruộng của bà con nông dân Phong Xuân nằm gần khu vực mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm cũng xuất hiện nhiều hố sụt lún khác.
Cánh đồng ở xã Phong Xuân nằm gần mỏ đá vôi có nhiều hố sụt lún.

Nhưng không chỉ đất sản xuất, dù nằm cách xa khu mỏ đá vôi, song không ít vườn tược của người dân ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân cũng xuất hiện hố sụt lún. Như tại khu vườn nhà bà Nguyễn Thị Vinh xuất hiện hố sụt lún rộng 1m2; vườn nhà ông Lê Văn Tám và bà Trần Thị Hằng cũng vừa xuất hiện 2 hố sụt lún. 

“Lúc đang làm vườn, tôi nghe tiếng động lớn nên chạy đến thì phát hiện góc vườn bị sụt lún sâu khoảng 1m với miệng hố khá lớn. Lo sợ hố này gây mất an toàn nên tôi đã lấp đất lại nhưng cứ mưa đến thì đất trong hố lại trôi đi đâu không rõ nguyên nhân, trong khi căn nhà cấp 4 của gia đình đang có nhiều vết nứt trên tường nên chúng tôi rất lo lắng”, bà Hằng cho hay. 

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân xác nhận, qua kiểm tra, thống kê, hiện toàn xã có hơn 25ha đất ruộng và hoa màu của người dân nằm trong khu vực sụt lún. Vì lo sợ mất an toàn nên hiện có hơn 3ha ruộng người dân bỏ hoang không canh tác. Do tình trạng hố sụt lún diễn ra liên tục nên người dân rất lo lắng. 

Xã đã kiến nghị lên UBND huyện và cấp tỉnh để có giải pháp đảm bảo an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Riêng diện tích đồng ruộng bị ảnh hưởng do sụt lún không thể canh tác, trong năm 2019 này huyện đã có chủ trương hỗ trợ 1 triệu đồng/sào nếu người dân chuyển sang trồng hoa màu và sẽ hỗ trợ tiền công lấy nước đối với diện tích trồng lúa…

Liên quan đến sự việc, mới đây Công ty Đồng Lâm có báo cáo về tình trạng xuất hiện các hố sụt lún tại cánh đồng Mỏm Lang, xã Phong Xuân gửi UBND huyện Phong Điền. Theo đó, hiện tượng sụt lún bắt đầu xuất hiện từ tháng 8-2014 và sau 1 năm có đến 35 hố sụt lún với đường kính miệng từ 2m đến 8,4m. Các hố này xuất hiện dọc theo đứt gãy Đông-Tây, trải dài trên diện rộng 400m, hố xa nhất cách mỏ đá vôi 850m. Đến đầu năm 2019, ghi nhận có thêm nhiều hố sụt lún. 

Công ty Đồng Lâm lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún bất thường kể trên là do khu vực giữa đê bao số 1 của mỏ khai thác có các đới đất đá dập vỡ, khe nứt và hang cac tơ chạy kéo dài từ phía trong mỏ ra ngoài đồng ruộng. Trong khi mỏ đá vôi khai thác âm, chiều cao đáy thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25m đến 30m nên gây nên tình trạng nước ngoài ruộng ngấm chảy qua khe nứt mang theo bùn đất vào bên trong mỏ, lâu dần tạo thành các hố sụt lún lớn. 

Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện đã yêu cầu Công ty Đồng Lâm thuê nhà thầu thực hiện thi công nạo vét đất tại các hố sụt lún để tìm miệng hố bị sụt để có phương án xử lý hố sụt lún. Đồng thời, yêu cầu công ty này phải xây dựng tuyến đường vận chuyển mới, xây dựng đê chắn, tạo hồ cân bằng áp lực nước để ngăn nước ngoài cánh đồng chảy vào khu mỏ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng hố sụt lún để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Anh Khoa
.
.
.