Rừng thông ở Lâm Đồng đang bị tàn phá

Thứ Ba, 11/02/2020, 07:51
Ngày 10-2, PV Báo CAND đã tiếp cận tiểu khu 118, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), ghi nhận cảnh tàn phá rừng thông diễn ra ở đây. 


Đáng chú ý, vị trí này chỉ cách QL27C vài trăm mét, hướng Đà Lạt đi Nha Trang, khu vực gần cầu Đê Um, xã Đạ Sar, hàng trăm cây thông cổ thụ có đường kính gốc từ 40-60cm, cao đều hơn 20m đã bị đốt cháy đen gốc. Nhiều cây thông phần gốc đã bị lửa thiêu cháy toàn bộ lớp vỏ và gỗ ngoài thành than đen, đang ứa nhựa xuống mặt đất.

Theo tìm hiểu của PV, lợi dụng việc đốt thực bì để phòng chống cháy rừng vào đầu mùa khô hằng năm và sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị chủ rừng, các đối tượng đã dùng xăng, dầu và cành thông khô chất vào gốc thông rồi châm lửa đốt với mục đích từ từ triệt hạ nguyên cả cánh rừng thông, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp và sang nhượng qua tay kiếm lời. Gỗ thông có nhiều nhựa, khi gặp lửa lập tức bốc cháy dữ dội.

Cảnh rừng thông bị khai thác, triệt hạ tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Cũng tại vị trí này, PV Báo CAND còn ghi nhận hàng loạt gốc thông cổ thụ khác đã bị các đối tượng đưa máy móc vào khai thác lấy gỗ. Tất cả các cây thông khai thác bất hợp pháp đều bị lâm tặc cưa hạ sát mặt đất, sau đó dùng đất đá và lá thông khô vùi lấp lại. Những phần gỗ thông đẹp nhất đã bị các đối tượng đưa đi khỏi hiện trường. Phần cành lá và gỗ thông có đường kính dưới 30cm bị lâm tặc cắt thành từng lóng ngắn, tập kết vào những hố trũng giữa rừng, châm lửa đốt cháy để phi tang.

Chỉ trong phạm vi 1ha, hàng chục cây thông có đường kính gốc khoảng 50cm, cao hơn 20m đã bị lâm tặc khai thác lấy gỗ. Trong số những gốc thông này, có rất nhiều gốc dấu cưa vẫn còn mới, đang ứa nhựa trắng. Nhiều lóng gỗ thông lớn còn nằm ngổn ngang ở hiện trường. Để triệt hạ rừng thông, không chỉ có đốt gốc hoặc khai thác lấy gỗ.

Tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, nhiều cây thông thẳng tắp, cao vút, hàng chục năm tuổi còn bị các đối tượng dùng dao, búa, chặt xung quanh gốc. Với hình thức sát hại này, vài tuần sau những cây thông “xấu số” sẽ từ từ rụng lá và chết trắng.

Mặc dù là rừng phòng hộ đầu nguồn, theo quy định phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng không hiểu sao khu vực này, đất rừng lại bị nhiều đối tượng ngang nhiên tới lấn chiếm, dựng lán chòi, làm nhà cửa ở ngay trong rừng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không những vậy, giữa rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng hàng loạt vị trí đã bị các đối tượng xí phần bằng những dãy cọc bê tông và dây kẽm gai kiên cố.

Được biết, khu vực rừng thông đang bị tàn phá, khai thác lấy gỗ và chiếm dụng đất lâm nghiệp bất hợp pháp trên thuộc lâm phần của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar (Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim). Vị trí này cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar khoảng 3km và ngay sát với QL27C, hằng ngày có rất đông người qua lại. Tuy nhiên, không hiểu sao rừng thông cổ thụ vẫn bị sát hại dưới nhiều hình thức, đất rừng cứ bị ngang nhiên lấn chiếm như chốn không người (?!).

Khắc Lịch
.
.
.