Rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị tàn phá

Thứ Sáu, 19/06/2020, 07:33
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều diện tích rừng phòng hộ (RPH) đầu nguồn thủy điện Hương Điền, thuộc địa bàn thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bị “lâm tặc” đốn hạ. Điều đáng nói, khu vực rừng bị tàn phá nằm cách không xa Trạm kiểm tra liên ngành bảo vệ rừng (BVR) thị xã Hương Trà khiến người dân địa phương và dư luận đặt nhiều vấn đề nghi ngờ…

Nhận được phản ánh của người dân, từ trung tâm thị xã Hương Trà, chúng tôi men theo tỉnh lộ 16 để đến thủy điện Hương Điền, sau đó dùng ghe di chuyển qua khu vực lòng hồ thủy điện lên phía thượng nguồn. Từ đây, đi bộ thêm 1km, băng qua một  dốc cao mới đến được khu vực RPH bị chặt phá. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc; trong đó có nhiều cây gỗ có đường kính từ 30-50cm, nhiều cây khác có đường kính gần 1m và dấu cưa máy vẫn còn rất mới.

Nhưng không những đốn hạ cây lấy gỗ, các đối tượng phá rừng còn đốt rừng khiến cả một diện tích rừng bị thiêu rụi, khoảnh rừng lân cận cũng bị héo khô. Anh T., người dân địa phương dẫn đường kể với chúng tôi, cách đây nhiều ngày trước, anh và một số hộ dân đi chăm sóc rừng keo lá tràm có nghe tiếng cưa máy nổ vang trời và kèm theo những cột khói bốc cao tại khu vực này.

“Lúc đó chúng tôi cứ nghĩ là các hộ trồng rừng thu hoạch gỗ keo lá tràm, sau đó dọn thực bì để trồng cây giống nên không để ý. Tuy nhiên khi đến khu vực này mới phát hiện rừng bị đốn hạ không thương tiếc nên báo đến chính quyền và cơ quan chức năng”, anh T. nói.

Điều đáng nói, khu vực RPH đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị tàn phá nằm cách Trạm kiểm tra liên ngành BVR thị xã Hương Trà chưa đầy 2km tính theo đường chim bay. Theo phản ánh của người dân, các đối tượng phá rừng ngang nhiên đốn hạ cây rừng công khai giữa ban ngày, sau đó vận chuyển gỗ ra khỏi RPH, chỉ để lại hiện trường những cây gỗ nhỏ, thân và cành cây gỗ không có giá trị sử dụng; song lực lượng Trạm kiểm tra liên ngành BVR “không hề hay biết”(?).

Theo ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, sau khi nhận tin báo, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra hiện trường khu vực RPH bị chặt phá; xác định có hơn 2ha rừng bị tàn phá, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 109 (địa phận phường Hương Vân, thị xã Hương Trà). Diện tích rừng này do UBND phường Hương Vân quản lý và được giao khoán cho người dân địa phương bảo vệ để hưởng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.

Rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị “lâm tặc” đốn hạ, tàn phá nghiêm trọng.

“Đây là vụ phá RPH đầu nguồn có quy mô lớn và nghiêm trọng xảy ra trong nhiều năm qua. Hiện Hạt Kiểm lâm đang tiến hành thống kê, xác định khối lượng và chủng loại cây gỗ bị đốn hạ, vận chuyển khỏi rừng phòng hộ. Tuy nhiên kiểm tra bước đầu tại hiện trường thì có thể thấy số lượng gỗ bị các đối tượng đốn hạ khá lớn”, ông Phước thông tin.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng. Tuy nhiên, vụ phá RPH đầu nguồn thủy điện Hương Điền vẫn đang được lực lượng Kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng tích cực điều tra nguyên nhân, động cơ và truy tìm những đối tượng phá rừng.

Bên cạnh đó, sẽ làm rõ và truy cứu trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm các lực lượng liên quan khi đã tắc trách, để xảy ra vụ phá RPH này.

Điều tra vụ khai thác trái phép hơn 100m3 gỗ ở Gia Lai

Quá trình tuần tra, lực lượng chức năng huyện Kbang, Gia Lai phát hiện liên tiếp 2 vụ phá rừng với hơn 103m3 gỗ khai thác trái phép. Cục Kiểm lâm cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Vụ thứ nhất được lực lượng chức năng phát hiện vào ngày 4-6 với 26 cây gỗ (chủng loại Bằng lăng, Gội tía, Sp8) tại Tiểu khu 120, 122 bị khai thác trái phép. Các cây gỗ bị khai thác trái phép thuộc rừng phòng hộ, trạng thái rừng thường xanh trung bình và thường xanh nghèo. 

Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 71,9m3. Trong đó, địa giới hành chính xã Đak Smar là 19 cây (khối lượng 55,6m3), còn lại thuộc địa giới hành chính xã Sơ Pai. Tổng khối lượng gỗ khai thác, cưa xẻ còn nguyên tại hiện trường có khả năng thu giữ gồm 91 lóng, hộp gỗ tròn, xẻ (khối lượng 20,9m3).

Vụ thứ 2 được phát hiện vào ngày 6/6, có 12 cây gỗ Bằng lăng bị khai thác trái phép. Vị trí khai thác nằm ở tiểu khu 122, địa giới hành chính xã Đak Smar, thuộc rừng phòng hộ, trạng thái rừng thường xanh trung bình. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 31,2m3. Khối lượng gỗ có khả năng thu giữ gồm 55 lóng, hộp gỗ tròn, xẻ (khối lượng hơn 10,5m3). Thời điểm phát hiện 2 vụ phá rừng, cơ quan chức năng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm.

Ngày 16/6, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (thuộc Cục Kiểm lâm, đóng tại Đắk Lắk) cho biết, liên quan đến thông tin phá rừng ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Cục Kiểm lâm đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu kiểm tra, báo cáo vụ việc. Hiện đơn vị đã cử cán bộ sang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kiểm tra, làm rõ thông tin vụ phá rừng để báo cáo lên Cục Kiểm lâm.

Chí Hào

Anh Khoa

.
.