Phát hiện hàng loạt sai sót “buông lỏng” quản lý

Thứ Ba, 08/06/2021, 08:09
Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB) đối với các quốc lộ được giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Ninh, Hà Tĩnh quản lý trong giai đoạn 2018-2020, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện nhiều sai sót, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Cụ thể:

Sở GTVT Bắc Ninh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao uỷ thác quản lý, bảo trì đối với tuyến QL18, QL38, tuyến QL17 và QL18 (Nội Bài-Bắc Ninh) với tổng chiều dài 82,2km. Từ năm 2018 đến tháng 10/2020, Sở đã cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối đường nhánh vào quốc lộ đối với 4 trường hợp. Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, cả 4 trường hợp cấp phép chưa có hồ sơ nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo quy định, chưa có hồ sơ hoàn công công trình. Cũng trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2020, Sở GTVT Bắc Ninh chấp thuận, cấp phép thi công 2 công trình thiết yếu, song 2 hồ sơ có đơn xin cấp phép thi công không dùng mẫu theo quy định; biện pháp tổ chức thi công chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa có hồ sơ kiểm tra, đánh giá nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định.

Công tác bảo trì, bảo dưỡng đường bộ nếu không được giám sát chặt sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngay trong việc cấp phép thi công công trình đường bộ đối với 14 trường hợp, việc này do chính Sở GTVT làm chủ đầu tư, song khi đoàn thanh tra kiểm tra xác suất 5 hồ sơ cấp phép thi công công trình đường bộ, kết quả cho thấy 1/5 hồ sơ có đơn xin cấp phép chưa thể hiện thời điểm bắt đầu thi công mà chỉ thể hiện tổng thời gian thi công; 3/5 hồ sơ không lưu văn bản phê duyệt/chấp thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định…

Từ nhiều tồn tại của công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán của Sở GTVT Bắc Ninh dẫn đến làm tăng giá trị dự toán các công trình được kiểm tra với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Tại Sở GTVT Hà Tĩnh, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, Sở GTVT Hà Tĩnh đã triển khai 38 công trình sửa chữa. Qua kiểm tra xác suất hồ sơ 22 công trình, cho thấy còn nhiều tồn tại như công tác khảo sát, thiết kế, lập, trình phê duyệt dự toán, đơn vị quản lý chưa cung cấp đầy đủ một số hồ sơ có liên quan (nhật ký khảo sát, sổ đo tại hiện trường…) và chưa tận dụng tối đa số liệu từ công tác bảo dưỡng thường xuyên để phục vụ công tác khảo sát. Một số công trình hồ sơ dự toán thiếu thông báo giá một số vật liệu, thiết bị, áp dụng chưa đúng thời điểm về giá nhiên liệu…

Về công tác lựa chọn nhà thầu, ký, thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, thanh tra Bộ GTVT phát hiện một số công trình hồ sơ mời thầu xây lắp chưa quy định về tải trọng phương tiện trong qúa trình triển khai thi công các dự án xây dựng công trình giao thông.

Qua kiểm tra hiện trường bằng phương pháp trực quan, kết quả cho thấy, dù Sở GTVT Hà Tĩnh đã quan tâm, kiểm tra giám sát các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, song vẫn để xảy ra tồn tại như một số đoạn tuyến chưa có cọc tiêu, một số cọc bị gãy đổ; hành lang an toàn giao thông không đảm bảo, nhà dân sát lề đường; mặt đường một số đoạn có hiện tượng “cóc gặm”; tại một số nút giao thiếu biển chỉ dẫn hướng tuyến; có vị trí lề xói sâu tạo thành “ổ voi” phía phải tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông…

Bộ GTVT yêu cầu, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh tổ chức rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì công trình đường bộ đối với các quốc lộ được giao quản lý. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT  số tiền là hơn 54 triệu đồng từ các hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên; giảm trừ khi quyết toán các công trình sửa chữa năm 2020 số tiền là hơn 35 triệu đồng…

Đặng Nhật
.
.
.