Đào tạo tuỳ tiện, bất chấp quy định ở Học viện Khoa học xã hội

Chủ Nhật, 27/08/2017, 19:50
Trong quá trình thanh tra việc tổ chức, quản lý đào tạo bậc học Tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, Thanh tra Bộ GD & ĐT cũng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, cho thấy một cung cách đào tạo tùy tiện, bất chấp quy định của Bộ GD & ĐT.

Kỳ II: Đào tạo tùy tiện, bất chấp quy định

Nhắc đến đào tạo Tiến sĩ, bậc học cao nhất trong các bậc học là để kỳ vọng những “sản phẩm” khoa học có chất lượng cao; luận án Tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo, có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn. Nhưng quá trình thanh tra việc tổ chức, quản lý đào tạo bậc học này tại Học viện Khoa học xã hội, Thanh tra Bộ GD & ĐT cũng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, cho thấy một cung cách đào tạo tùy tiện, bất chấp quy định của Bộ GD & ĐT.

Như bài trước chúng tôi đã phản ánh, do “nống” đội ngũ giảng viên so với số lượng thực tế để tự xác định chỉ tiêu, nên năm 2017, Học viện Khoa học xã hội không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ Thạc sĩ khối ngành I và trình độ Tiến sĩ ở tất cả các khối ngành.

Chưa dừng ở đó, Học viện còn phân công nhiều người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) vượt quá số lượng  quy định tại khoản 11 Điều  1 Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT.

Cụ thể: GS.TS Võ Khánh Vinh hướng dẫn 12 NCS; TS Phạm Hữu Nghị hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Nguyễn Như Phát hướng dẫn 8 NCS; PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương hướng dẫn 9 NCS; TS Đặng Vũ Huân hướng dẫn 7 NCS; TS Đặng Quang Phương hướng dẫn 6 NCS; TS Hồ Ngọc Hiển hướng dẫn 6 NCS; PGS.TS Hồ Sỹ Sơn hướng dẫn 9 NCS; PGS.TS Bùi Quang Tuấn hướng dẫn 8 NCS; TS Phí Vĩnh Tường hướng dẫn 6 NCS.

Theo quy định của Bộ GD & ĐT, mỗi người hướng dẫn khoa học không được nhận quá 2 NCS được tuyển trong cùng một năm ở tất cả các cơ sở đào tạo. Giáo sư được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh; Phó Giáo sư hoặc Tiến sĩ Khoa học được hướng dẫn cùng lúc không quá 4 NCS; Tiến sĩ được hướng dẫn cùng lúc không quá 3 NCS ở tất cả các cơ sở đào tạo…

Hài hước hơn, khi Thanh tra Bộ kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy, có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định tại Điều 25 Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ: PGS.TS Lê Phước Minh là Tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS Trần Thị Lan Thu chuyên ngành Quản lý giáo dục; TS Nguyễn Thị Song Hà ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân tộc học.

Bộ GD & ĐT kiểm tra xác suất 5 hồ sơ NCS  cho thấy, có 3/5 hồ sơ NCS có bằng Thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp. Theo báo cáo tự rà soát của Học viện, số NCS có bằng Thạc sĩ ngành khác với chuyên ngành đã được xét tuyển năm 2015 là 48 NCS, năm 2016 là 41 NCS

Bộ GD & ĐT kiểm tra một số hồ sơ quản lý đào tạo NCS còn phát hiện nhiều thiếu sót như: Có NCS có bằng Thạc sĩ do Trường Đại học Griggs cấp nhưng chưa thực hiện việc công nhận văn bằng theo quy định tại Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20-12-2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15-7-2013 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; nhận xét phản biện của PGS.TS Bùi Quang Tuấn, bản nhận xét tóm tắt luận án Tiến sĩ của PGS.TS Cù Chí Lợi không ghi ngày tháng, không ký tên; đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của NCS không ghi ngày tháng năm, không có họ tên NCS và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành, nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn; nghị quyết của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện không ghi ngày ban hành.

Có hồ sơ của NCS không có kế hoạch học tập và nghiên cứu của NCS; phiếu nhận xét luận án Tiến sĩ cấp cơ sở của phản biện 1 không có ý kiến nhận xét, không có nội dung đề nghị cho NCS bảo vệ luận án cấp Học viện nhưng có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nhận xét. Tổng số NCS đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Học viện: Năm 2015 là  281 luận án, năm 2016 là 265 luận án, năm 2017 (tính đến tháng 4-2017) là 46 luận án.

Theo Bộ GD & ĐT cho biết, từ năm 2016, Học viện đã tự in phôi bằng. Số phôi bằng đã in năm 2016 là 400 phôi bằng Tiến sĩ và 1.710 phôi bằng Thạc sĩ. Kiểm tra sổ cấp phát văn bằng phát hiện còn có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ; nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo đúng quy định.

Kết luận thanh tra của Bộ GD & ĐT đã thể hiện kết quả  giải quyết một số đơn thư khiếu nại, phản ánh của một số NCS, trong đó có luận án của ông T.H.A.. Nội dung luận án của NCS T.H.A. đã có một số nội dung sao chép nội dung luận án của NCS B.Đ.T. và không tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Hội đồng xem xét kết quả thẩm định luận án tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội đã đề nghị hủy kết quả học tập và nghiên cứu của NCS T.H.A.; không công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ. Sau đó, ông T.H.A. liên tục có nhiều đơn thư khiếu nại, đề nghị Học viện Khoa học xã hội xem xét lại việc kỷ luật.

Trong việc giải quyết  Đơn khiếu nại của ông T.H.A, theo Thanh tra Bộ, Học viện chưa thực hiện đúng quy trình quy định của Luật Khiếu nại và Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31-10-2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại (không ban hành văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định...

Điều đáng nói là cách đây gần 3 năm, ngày 18-11-2014, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận số 24/KL-TTr kết luận thanh tra công tác tuyển sinh sau đại học năm 2014 của Học viện và cũng phát hiện nhiều “vấn đề”, yêu cầu Học viện báo cáo chi tiết về đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng ngành, chuyên ngành của Học viện và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia giảng dạy tại Học viện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm; cân đối giữa quy mô học viên các ngành đào tạo và năng lực đội ngũ của từng ngành để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh các năm tiếp theo đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng Học viện chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kiến nghị của Kết luận thanh tra số 24/KL-TTr ngày 18-11-2014.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Bộ GD & ĐT kiến nghị Học viện Khoa học xã hội rà soát, có phương án xử lý đối với các trường hợp phân công hướng dẫn luận văn, luận án vượt quá số lượng quy định.

Chấn chỉnh công tác phân công hướng dẫn luận văn, luận án; bố trí thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án theo đúng quy định của Quy chế; kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra. Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GDĐT (qua Thanh tra) trước ngày 30-9-2017.

Đối với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, phải làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của toàn Viện Hàn lâm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện và địa điểm đào tạo của Học viện gửi Bộ GD&ĐT để thực hiện thống nhất theo quy định.

Đồng thời chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học viện Khoa học xã hội; có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.


Thu Phương
.
.
.