Nỗi lo hung thần xe công nông ở Tây Nguyên

Chủ Nhật, 21/08/2016, 08:34
Xe công nông, xe độ chế ở Tây Nguyên lâu nay tồn tại trong đời sống sản xuất của đồng bào như một phương tiện không thể thiếu. Về mặt tích cực, xe công nông, độ chế đáp ứng nhu cầu cần thiết phục vụ cho vận chuyển hàng hóa, sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm địa hình vùng Tây Nguyên, nhưng hệ lụy về sự mất an toàn giao thông cũng rất lớn...


Chỉ tính riêng trong 2 năm 2014 và 2015, Gia Lai xảy ra 23 vụ tai nạn liên quan xe công nông, trong đó có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại QL14, đoạn qua xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) làm 5 người chết, 8 người bị thương...

Trong 8 tháng đầu năm 2016, tai nạn liên quan đến xe công xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người, bị thương 3 người. Thực tế, mỗi ngày trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có hàng ngàn xe công nông, độ chế hoạt động khắp nơi. Ngoài việc vận chuyển hàng hóa, xe công nông còn chở người trái quy định. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các chủ phương tiện cũng gặp hết sức khó khăn, vì chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn...

Tai nạn giao thông kinh hoàng liên quan đến xe công nông.

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai, để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quản lý xe công nông, độ chế vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đề xuất Ban ATGT Quốc gia hỗ trợ kinh phí đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân tộc thiểu số điều khiển máy kéo nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức pháp luật về đảm bảo ATGT do loại phương tiện này gây ra.

Thực tế, tỉnh Gia Lai hiện có gần 38.000 máy kéo nhỏ (xe công nông) đang hoạt động khắp các thôn làng nhưng theo điểm a, khoản 4, Điều 59, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phải có giấy phép lái xe hạng A4. Đến nay mới có khoảng 200 trường hợp có giấy phép lái xe hạng A4 còn lại người dân điều khiển phương tiện này chủ yếu là tự túc.

Trong khi đó, tại Đắk Lắk có trên 78.000 xe công nông được đăng ký, nhưng thực tế số lượng xe công nông lưu hành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hơn, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng chục vụ TNGT liên quan đến xe công nông. Tỉnh Đắk Nông có hơn 13.000 xe công nông nhưng phần lớn tài xế xe công nông chưa được cấp giấy phép lái xe (hạng A4) và hàng chục nghìn xe vẫn chưa được đăng ký...

Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, việc đình chỉ lưu hành ôtô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh trên cả nước được thực hiện từ ngày 1-1-2008, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu nhưng thực tế khó thực hiện được vì điều kiện địa bàn Tây Nguyên người dân chưa thể thay thế phương tiện khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với việc cấm lưu hành xe công nông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1491/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ để mua xe 4 bánh chở hàng...

Lực lượng Công an từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đối với xe công nông, tuyên truyền vận động cho tất cả chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm các quy định pháp luật về TTATGT và gắn biển phản quang cho hàng chục ngàn xe công nông để dễ nhận biết khi hoạt động vào ban đêm. 

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, việc kiềm chế và giảm TNGT liên quan đến xe công nông ở địa bàn Gia Lai là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt thực hiện quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh về quản lý hoạt động của xe công nông; đặc biệt là việc quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22-12-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và địa phương đã có sự chuyển biến tích cực trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn quản lý.

Về mặt kỹ thuật, tính năng cơ bản của xe công nông là dùng để cày bừa và khi cần thì lắp rơ-moóc để chở vật tư, phân bón và sản phẩm nông nghiệp, do đó không được trang bị thiết bị kỹ thuật an toàn để chở người.

Mặt khác, đây là phương tiện phục vụ sản xuất nên thiết kế tốc độ di chuyển thấp, trang bị thiết bị ATGT ở mức tối thiểu nên khi xe công nông lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh lộ (vốn được thiết kế cho phương tiện có tốc độ cao) nhất là vào ban đêm tầm nhìn hạn chế, rơ moóc kéo theo không có đèn hậu nên việc lưu thông của xe công nông dễ gây nguy hiểm cho những phương tiện cơ giới có vận tốc lớn hơn, như xe ôtô, môtô...

Vì vậy, giải pháp cấm xe công nông lắp rơ – moóc chở người, cấm xe công nông lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị là việc làm hết sức cần thiết nhằm mục tiêu bảo đảm tính mạng cho người dân.

Ngoài giải pháp này thì việc tổ chức chiêu sinh, vận động người lái xe công nông đăng ký học để nâng cao kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và tăng cường kỹ năng điều khiển xe công nông bảo đảm an toàn; về mặt kỹ thuật, cần kiểm tra hệ thống chiếu sáng, hệ thống phanh bảo đảm hiệu lực, lắp phản quang để dễ nhận biết khi hoạt động ban đêm nhằm phòng, tránh tai nạn liên quan đến xe công nông...

Ngọc Như
.
.
.