Những bất thường quanh vụ kiện đòi 2 triệu USD

Thứ Sáu, 25/09/2020, 14:49
Báo CAND nhận đơn của ông Võ Phương Lâm (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), phản ánh những bất thường quanh vụ kiện đòi 2 triệu USD mà ông là bị đơn đẫn đến việc ông bị tòa án cấm xuất cảnh chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đơn khởi kiện ghi ngày 26/11/2019 gửi TAND quận Gò Vấp của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Cty Sài Gòn; địa chỉ số 3e/3, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM; ) do ông Dương Văn Phúc làm diện pháp luật, vào ngày 22/6/2016, Cty Sài Gòn có thỏa thuận chuyển nhượng 300.000 cổ phần của ông Nguyễn Phúc Nghiêm tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Đại Phong (Cty Đại Phong, trụ sở đóng tại quận Phú Nhuận) với giá 1,5 tỷ đồng. 

Để thuận lợi giao dịch, Cty Sài Gòn đồng ý để ông Võ Phương Lâm (lúc này là cổ đông, phó giám đốc Cty Sài Gòn) đứng tên đại diện cho Cty Sài Gòn tham gia vào Cty Đại Phong với tư cách là cổ đông. 

Đến năm 2017, Cty Sài Gòn yêu cầu ông Lâm chuyển nhượng cổ phần cho Cty I.W.P với giá 46 tỷ đồng, tương đương 2 triệu USD và ông Lâm đã nhận đủ tiền. Tuy nhiên, ông Lâm lẩn tránh không gặp mặt và không hoàn trả lại tiền cho Cty Sài Gòn. Do vậy, Cty Sài Gòn khởi kiện buộc ông Lâm có nghĩa vụ trả lại số tiền tương đương 2 triệu USD.

Hai ngày sau khi nhận đơn của ông Phúc, TAND quận Gò Vấp ban hành ngay Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 22/QĐ-BPKCTT với nội dung “tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Võ Phương Lâm cho đến khi có quyết định khác hủy bỏ quyết định này”. 

Đến ngày 9/1/2020, TAND quận Gò Vấp tiếp tục ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 03/2020/QĐ-ADBPKCTT phong tỏa tài sản của ông Lâm là 1 căn nhà nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh. 

Thế nhưng đến ngày 10/02/2020 thì TAND quận Gò Vấp xác định vụ án này không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nên có quyết định chuyển vụ án đến TAND TP HCM. 

Ngày 18/3/2020, TAND TP HCM ra thông báo thụ lý vụ án “tranh chấp số tiền mua bán cổ phần giữa công ty với thành viên của công ty”. Người được phân công xử lý vụ án này là thẩm phán Đào Quốc Thịnh.

Ông Võ Phương Lâm trình bày vụ việc.

Ông Lâm cho biết mình vô cùng bất ngờ vì tự dưng bị đòi 2 triệu USD từ câu chuyện không đúng sự thật. Qua làm việc với tòa án, ông Lâm biết được cơ sở để ông Phúc kiện đòi 2 triệu USD là từ văn bản thỏa thuận mua cổ phần ngày 22/6/2016 và giấy xác nhận thanh toán lập ngày 10/7/2016. Tuy nhiên, ông Lâm phát hiện hai văn bản này là ngụy tạo. 

Cụ thể, trong giấy thỏa thuận mua cổ phần giữa Cty Sài Gòn và ông Nguyễn Phúc Nghiêm và giấy xác nhận thanh toán có đóng dấu mộc đỏ ghi chữ “Q.GÒ VẤP, TP HCM” nhưng đây là con dấu cũ không còn giá trị pháp lý vì lúc này Cty Sài Gòn đã đăng ký sử dụng con dấu mới có ghi chữ “Q.TÂN BÌNH TP HCM”. 

Qua xác minh của PV báo CAND tại Sở Kế hoạch- Đầu tư TP HCM thì từ ngày 28/3/2016, Cty Sài Gòn đã sử dụng mẫu con dấu có ghi chữ “Q.TÂN BÌNH TP HCM” thay cho con dấu có ghi chữ “Q.GÒ VẤP, TP HCM”, trong khi đó hai văn bản nói trên được xác lập vào tháng 6 và tháng 7/2016. 

Mặt khác, theo quy định của pháp luật khi doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần phải thông qua chuyển khoản chứ không được trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, việc mua bán 300.000 cổ phần nói trên được trả bằng tiền mặt cũng là một dấu hiệu bất thường cần được làm rõ.

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện, ông Phúc nêu, sau khi nhận tiền bán 300.000 cổ phần, ông Lâm lánh mặt và không đưa tiền lại cho Cty Sài Gòn. Thế nhưng, theo tài liệu, vào ngày 7/11/2019, tại trụ sở Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng (số 4, Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3), ông Dương Văn Phúc và bà Huỳnh Hồng Ngọc (là thành viên góp vốn tại Cty Sài Gòn) đã ủy quyền cho ông Võ Phương Lâm được thay mặt và nhân danh ông Phúc, bà Ngọc quản lý, điều hành công ty; tham gia tất cả các cuộc họp hội đồng thành viên có liên quan; thay mặt ký kết các giao dịch hợp đồng kinh tế, quản lý, điều hành và ký kết các giao dịch có liên quan đến vốn góp của ông Phúc, bà Ngọc…

Với chứng cứ này sao có thể nói ông Lâm lánh mặt và “ém nhẹm” 2 triệu USD của Cty Sài Gòn? Mặt khác, ông Phúc cho biết công ty I.W.P trả tiền mua cổ phần thành 2 đợt. Vậy tại sao trả lần đầu mà ông Lâm không đưa tiền lại cho Cty Sài Gòn thì ông Phúc không ngăn chặn ngay để ông Lâm tiếp tục lấy tiền lần thứ 2?

Đến nay, đã gần 6 tháng kể từ ngày TAND TP HCM thụ lý giải quyết, vụ án vẫn “giẫm chân tại chỗ”, cho tới hôm nay thẩm phán Đào Quốc Thịnh chỉ duy nhất 1 lần mời hai bên lên hòa giải vào tháng 5/2020. 

“Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ kiện gây nhiềukhó khăn cho tôi. Bởi lẽ tôi đang sở hữu một công ty ở Phần Lan nên việc cấm tôi xuất cảnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc đầu tư, kinh doanh của tôi ở bên đó”-Ông Lâm cho biết.

Mẫu dấu của Cty Sài Gòn thay đổi từ tháng 3/2016.

Để giải tỏa biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh, ngày 29/6/2020, ông Lâm đã làm hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Thông được nhân danh và thay mặt ông Lâm liên hệ với TAND TP HCM, TAND các cấp, cơ quan thi hành án và cơ quan có thẩm quyền liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án trên. 

Đồng thời ông Lâm cũng tự nguyện chấp nhận đưa vào phong tỏa một số tài sản của ông Lâm để đảm bảo việc thi hành án sau này. Tuy nhiên, thẩm phán Đào Quốc Thịnh không chấp thuận hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh với ông Lâm. 

“Việc tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Lâm là sai bởi chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của TAND Tối cao đã nêu rất rõ: Tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ để đảm bảo giải quyết vụ án khi người bị áp dụng đã có người đại diện cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng hoặc để đảm bảo thi hành án trong khi người có nghĩa vụ đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác như phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản…là không đúng quy định của pháp luật”- Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Văn phòng luật sư Bình Tân, Đoàn luật sư TP HCM nêu ý kiến. Cũng liên quan đến vụ việc này, ông

Phúc còn tố cáo ông Lâm chiếm đoạt 2 triệu USD đến Công an TP HCM. Trong quá trình xác minh vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng có hai lần ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lâm. Tuy nhiên, đến ngày 21/6/2020, quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lâm của cơ quan điều tra đã được giải tỏa, chỉ còn lại quyết định cấm xuất cảnh của tòa án.

Từ các cơ sở trên, hiện tại ông Lâm đã gửi đơn đến công an TP HCM tố cáo ông Dương Văn Phúc ngụy tạo hồ sơ để vu khống ông chiếm đoạt 2 triệu USD. Đồng thời gửi đơn đến TAND tối cao khiếu nại việc TAND TP HCM không chấp nhận hủy bỏ quyết định khẩn cấp tạm thời cấm ông xuất cảnh đối với ông là trái với quy định hiện hành.

Mã Hải
.
.
.