Những bất cập của du lịch Bản Đôn

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:27
Trái với kì vọng về một khu du lịch đậm sắc màu Tây Nguyên, du khách đến với khu du lịch sinh thái Bản Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đều có chung cảm nhận đầy tiếc nuối rằng nơi đây không được đầu tư để phát triển du lịch.

Đầu tháng 12, trong chuyến du lịch khám phá Tây Nguyên, chúng tôi có dịp đến với Bản Đôn, nơi nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bản Đôn thuộc huyện Buôn Đôn, cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 40km. 

Tháng 12, mảnh đất Tây Nguyên đã bước vào mùa khô, dọc các cung đường vàng rực màu hoa dã quỳ. Càng háo hức bao nhiêu thì khi tận mắt chứng kiến hình ảnh Bản Đôn, chúng tôi càng thất vọng bấy nhiêu. Quạnh hiu, tẻ nhạt và không chút dấu ấn. Với những người lần đầu tiên tới Bản Đôn như chúng tôi, cảm giác duy nhất là hụt hẫng.

Cưỡi voi là điểm nhấn du lịch duy nhất ở Bản Đôn.

Ban đầu, chúng tôi dự định ở lại Bản Đôn một ngày để khám phá văn hoá buôn làng và trải nghiệm cảm giác cưỡi voi qua dòng sông Serepok hùng vĩ. Thế nhưng, khi tới Bản Đôn, chúng tôi cố gắng lắm mới có thể ở lại đến 1 giờ đồng hồ, kể cả thời gian chụp ảnh bởi lẽ "không có gì để khám phá". 

Bản Đôn hiện ra lèo tèo với vài hạng mục đã cũ, vài chiếc xích đu, vài chiếc cầu bập bênh bằng gỗ đã mục. Điều duy nhất có thể khiến du khách thấy thích thú là cưỡi voi qua sông, thì nay, dòng sông Serepok đoạn qua khu du lịch đã cạn khô, chỉ còn trơ những tảng đá to. 

Chẳng mấy ai còn mua vé cưỡi voi qua sông. Cùng lắm, họ mua vé cưỡi voi 15 phút đi lại loanh quanh trên bờ, chỉ để chụp ảnh rồi post  Facebook. Giá vé cưỡi voi cũng rất linh hoạt, 70.000 đồng/người cho 15 phút nếu đi 2 người. Trong trường hợp đi 1 người, giá vé là 100.000 đồng. 

Trước đây, khi dòng sông Serepok còn đầy ắp nước, du khách thích thú với những chiếc cầu treo bập bềnh trên sông. Còn nay, khi lòng sông chỉ còn trơ những tảng đá, những chiếc cầu treo cũng gần như bị bỏ quên. 

Sở dĩ, dòng sông Serepok hùng vĩ cứ cạn nước dần. Vì bị chặn dòng làm thuỷ điện, nước ngày càng cạn kiệt. Địa phương lại không đầu tư các dịch vụ đi kèm nên khu du lịch ngày càng xuống cấp, mất dần khách du lịch. Hôm đó là ngày thứ 7, mà khách tham quan chỉ lèo tèo vài chục người. 

Bản Đôn – buôn làng du lịch nổi tiếng một thời, nay chẳng còn mấy ai đặt chân tới. Để giữ được chân du khách, Bản Đôn cần được đầu tư bài bản cho du lịch, bao gồm hệ thống các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, khu mua sắm... Với cách làm như hiện nay, Bản Đôn sẽ mất dần sức hấp dẫn.

Khánh Vy
.
.
.