Tan nát những cánh rừng ở Quảng Trị
- Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vố bị 'băm vằm'
- Bị tàn sát, rừng phòng hộ đầu nguồn giáp biên kêu cứu
- Rừng phòng hộ đầu nguồn tỉnh bị tàn phá
- Hàng chục hecta rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá
Chúng tôi đã theo chân các lực lượng này trong nhiều ngày, ngoài ra còn đi thực tế riêng tại một số địa phương khác, phát hiện một thực trang chung rất đáng lo ngại. Đó là tình trạng rừng nhìn bên ngoài có màu xanh tốt, nhưng đi càng sâu vào bên trong, hầu hết cây rừng đã bị đốn hạ trống trơn...
Ngày 18-8, kết thúc chuyến đi thực tế, kiểm tra lần 2 rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị chặt phá, không ít người tham gia công việc lắc đầu, ngao ngán: Nhìn bên ngoài, trông rừng xanh tốt, bạt ngàn, nhưng nào ngờ bên trong còn lại chẳng đáng bao nhiêu.
Thực tế, không phải đến bây giờ chính quyền các cấp, ban ngành chức năng ở Quảng Trị mới biết việc rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị chặt phá, khai thác trái phép. Những năm đầu thế kỷ XX, việc chính quyền tỉnh này nhiều lần cho phép một doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn mở cửa rừng để trồng rừng và khai thác rừng trồng trước đó, đã dẫn tới tình trạng lợi dụng hoạt động này để khai thác trái phép rừng tự nhiên một cách ồ ạt.
Rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị khai thác và đốt cháy sạch trơn. |
Theo người dân địa phương cho biết, không lâu sau đó, những cánh rừng già nguyên sinh, với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như gõ, lim, bằng lăng cay, giáng hương… đã bị chặt phá trụi. Về sau, rừng được trồng mới, rừng bị chặt hồi sinh đã phủ xanh trở lại những dãy đồi núi điệp trùng trụi trọc, nhưng rồi những năm gần đây, khi cây rừng vừa đủ to có thể tiêu thụ được, chúng lại bị đốn hạ một cách không thương tiếc…
Chúng tôi đã từng có nhiều chuyến đi thực tế, thực hiện nhiều bài viết phản ánh tình trạng rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà (Vĩnh Linh) bị chặt phá nghiêm trọng. Nhưng khi lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Linh đi kiểm tra thực tế để báo cáo theo yêu cầu của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, họ vào rừng chỉ một đoạn đường ngắn, đứng ở một đồi đất đất quan sát, sau đó nhanh chóng trở về, báo cáo sự việc một cách qua loa, không đúng sự thật.
Đến khi chúng tôi tiếp tục phản ánh, thậm chí còn dẫn đường, đưa các lực lượng chức năng đến tận nơi những khu rừng bị chặt phá nghiêm trọng, thì các lực lượng này mới thừa nhận sự việc nghiêm trọng trên.
Điều đáng nói, ngay sau khi có kết quả kiểm tra, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị lúc đó đã chủ trì một cuộc họp chóng vánh, giải quyết sự việc một cách qua loa; chỉ phê bình, kiểm điểm một số cán bộ, một số đơn vị có trách nhiệm liên quan.
Sau đi thực tế những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở Vĩnh Linh bị chặt phá, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Hướng Hóa, theo chân một đoàn liên ngành do lực lượng Đồn Biên phòng Cù Bai đóng tại xã Hướng Lập làm nòng cốt. Kết quả kiểm tra thực tế rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện này giáp ranh với các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) và huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho thấy:
Rừng còn lại rất hiếm cây to và hoàn toàn không còn cây gỗ tự nhiên quý hiếm; đi càng vào sâu vào bên trong, rừng trống trơn chỉ còn cây bụi và cây gỗ rừng tái sinh, nhưng đường kính lớn nhất chỉ vài centimet, nằm thưa thớt, cheo leo trên những ngọn đồi cao.
Khu vực bản Cuôi, xã Hướng Lập giáp ranh với xã Linh Thượng, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh có xảy ra một vụ phá rừng, nhưng cây bị chặt chỉ là một loại gỗ tạp nhóm 6. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 4 đối tượng phá rừng, là: Nguyễn Bá Chương, Lê Quang Mãi, Cao Duy Tiên, Nguyễn Đăng Sơn (tuổi từ 24 đến 44 tuổi, cùng trú xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh); thu giữ tang vật gồm cây gỗ và chiếc xe reo dùng để vận chuyển cây gỗ này…
Theo báo cáo của ngành chức năng có liên quan, Quảng Trị hiện có hơn 140 nghìn hécta rừng tự nhiên và gần 100 nghìn hécta rừng trồng. Các diện tích rừng đã được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên quản lý và giao khoán cho địa phương, người dân tự chăm sóc bảo vệ.
Tuy nhiên, đi thực tế thêm nhiều vùng rừng trên địa bàn tỉnh này, như rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn và một số nơi khác như rừng A Đăng, Kỳ Ne trên địa bàn huyện Đakrông, chúng tôi đều phát hiện một thực trạng chung rất đáng buồn, rừng còn lại chỉ là “chiếc áo” tạm bợ bên ngoài, càng vào sâu bên trong, phần lớn rừng chỉ còn cây bụi, rừng tự nhiên bị chặt phá tái sinh thưa thớt…
Ông Võ Văn Sử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa thừa nhận một thực tế: Trong nhiều năm qua, rừng trên địa bàn bị chặt phá, khó bảo vệ do địa hình hiểm trở.
Đơn cử, khu vực rừng giáp với các xã Vĩnh Ô, Linh Thượng, một bên là đồi núi cao (Hướng Hóa), một bên là thung lũng sâu hun hút; “lâm tặc” khai thác gỗ rừng ở đây chỉ cần thả dốc là nó trôi qua các phía bên kia (phía Linh Thượng và Vĩnh Ô), mà không cần phải tốn công sức vận chuyển.
Trong khi đó, phía Hướng Hóa, lực lượng Kiểm lâm có đi kiểm tra, phát hiện gỗ này cũng chịu, vì không thể kéo ngược chúng lên lại; việc phát hiện “lâm tặc” vì thế, càng không thể đuổi bắt được chúng…