Nhiều tiểu thương ở Phan Rang chưa đồng tình vào chợ mới

Thứ Bảy, 26/11/2016, 15:09
Bắt đầu từ ngày 25-11, chợ Tấn Tài (Phan Rang - Tháp Chàm) buộc phải chấm dứt hoạt động sau 13 năm.


Điều này đồng nghĩa với việc hơn 500 tiểu thương đang kinh doanh tại đây phải di dời đến những chợ khác, trong đó có chợ nông sản Phan Rang. Thế nhưng, theo các tiểu thương, chợ mới Phan Rang đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập khiến họ không muốn chuyển tới kinh doanh.

Theo UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, chợ Tấn Tài được xây dựng từ năm 2003 do phường Tấn Tài quản lý. Năm 2005, UBND thị xã (nay là thành phố) Phan Rang -Tháp Chàm đã đầu tư nâng cấp mở rộng chợ Tấn Tài và đến năm 2011, UBND thành phố tiếp tục nâng cấp mở rộng thành chợ hạng 2 thuộc UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm quản lý với diện tích 3.683m² gồm 414 hộ kinh doanh. 

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của chợ không còn đúng với tính chất là chợ đầu mối tập trung, phân phối nguồn rau như mục tiêu ban đầu. Chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm, một số hộ tự ý lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để buôn bán gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường và mục tiêu quy hoạch ban đầu. 

Bên cạnh đó, chợ Tấn Tài nằm ở khu vực ngã 5 nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào những dịp lễ, Tết. 

Do đó, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm quyết định đóng cửa chợ này, giới thiệu các tiểu thương tới một số chợ khác trong thành phố, trong đó có chợ nông sản Phan Rang cách chợ cũ trên 500m do Công ty TNHH TMVD Sửa chữa ôtô Lân Hà (Công ty Lân Hà) làm chủ đầu tư và khai thác.

Chợ nông sản Phan Rang mà các tiểu thương phải chuyển tới từ việc di dời chợ Tấn Tài.

UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, chợ nông sản Phan Rang do Công ty Lân Hà làm chủ đầu tư theo hình thức BO, thời hạn của dự án 49 năm. Quy mô là chợ loại 2 chuyên về nông sản, có tổng diện tích là 5.132m² với 472 điểm kinh doanh. Ngoài ra, chợ còn có hơn 4.000m² đất của chủ đầu tư dùng để làm khu văn phòng, bãi đậu xe. Tuy nhiên, chợ nông sản Phan Rang đã vấp phải sự phản ứng của rất nhiều tiểu thương vì nhiều lý do. 

Ông Mai Xuân Tiến, một tiểu thương phản ánh, chợ nông sản Phan Rang giao thông quá bất tiện, lối vào chợ chật hẹp, rất khó khăn trong việc mua bán cũng như vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, các lô của chợ mới nông sản Phan Rang được chủ đầu tư phân chia rất nhỏ, chỉ khoảng hơn 3m²/lô. Đó là chưa kể những lo ngại của các tiểu thương về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, bởi hiện nay chợ chỉ có một lối ra và một lối vào. Đặc biệt, chi phí thuê các gian hàng, sạp để buôn bán ở đây quá cao. 

Theo trình bày của một số tiểu thương, bình quân các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài mỗi tháng chỉ phải đóng khoảng 225.000 đồng cho việc thuê sạp, nhưng đối với chợ nông sản Phan Rang phải trả hơn 2 triệu đồng trên cùng một diện tích tương đương ở chợ Tấn Tài, đó là còn chưa kể các phí phát sinh khác.

Sau khi nhận được những phản ánh về các bất cập của tiểu thương về chợ nông sản Phan Rang, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm tiếp thu những ý kiến của tiểu thương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành thu phí cho thuê mặt bằng, điểm kinh doanh của chủ đầu tư, không để phát sinh những khoản thu ngoài quy định. 

Theo đó, mức thu phí sử dụng mặt bằng có mái che tại chợ nông sản Phan Rang được ấn định là 60.000 đồng/m²; đồng thời đề nghị chủ đầu tư chợ nông sản Phan Rang mở thêm một số cửa ở Tây, phía Nam và phía Đông để thoát hiểm khi cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, sự chỉ đạo này của tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện, trong khi ngày ấn định buộc các tiểu thương phải vào chợ đã đến. 

Thiết nghĩ, chuyển các tiểu thương từ chợ Tấn Tài vào chợ mới nông sản Phan Rang là chủ trương đúng đắn của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm nhằm góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp và hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần phải tính tới lợi ích hài hòa của các bên nhằm tránh xảy ra những xung đột về quyền lợi như hiện nay.

Kim Ngân
.
.
.