Hãi hùng phát hiện "nhà máy" sản xuất dầu ăn, mỡ bẩn

Thứ Ba, 22/08/2017, 12:50
Do lợi nhuận từ việc chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm “cực bẩn” này rất cao nên nhiều cơ sở chế biến mới ra đời và các cơ sở đã bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm, ngang nhiên hoạt động cho ra thị trường những sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.


Mấy năm gần đây, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng cũng như Công an các quận, huyện đã tích cực triển khai công tác nghiệp vụ, phát hiện, bắt quả tang nhiều cơ sở chế biến các loại dầu ăn, mỡ bẩn, chuyển các cơ quan chức năng xử phạt hành chính. 

Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, do lợi nhuận từ việc chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm “cực bẩn” này rất cao nên nhiều cơ sở chế biến mới ra đời và các cơ sở đã bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm, ngang nhiên hoạt động cho ra thị trường những sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Gần đây nhất, ngày 14-8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) kiểm tra cơ sở chế biến mỡ tại Đồng Tử 3, phường Phù Liễn, quận Kiến An do ông Nguyễn Văn Trọng làm chủ đã phát hiện hàng nghìn lít dầu mỡ bẩn chứa trong 20 phi loại 200 lít, cùng hàng trăm kilogam các loại tóp mỡ, mỡ nguyên liệu bốc mùi hôi thối. Khu vực nhà xưởng cùng các loại máy móc dụng cụ cũng nhầy nhụa, hôi thối... 

Ông Trọng thừa nhận đã mua các loại nguyên liệu trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh tại các chợ, cơ sở giết mổ trong và ngoài thành phố, chuyển về chế biến lại sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ. Chủ cơ sở này khai đã hoạt động trong gần 1 năm qua.

Một cơ sở chế biến mỡ bẩn bị phát hiện.

Đặc biệt, có những cơ sở liên tục vi phạm như xưởng chế biến mỡ của bà Nguyễn Thị Liễn, 57 tuổi (ĐKTT tổ Đẩu Sơn 2, phường Văn Đẩu, quận Kiến An) tại số 15 đường Thống Trực, tổ Kha Lâm 3 cùng quận Kiến An. Tính từ năm 2015 đến tháng 4-2017, cơ sở này đã 8 lần bị các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, số lượng đến hàng chục tấn nguyên liệu thối, hàng chục ngàn lít mỡ bẩn... toàn bộ tang vật bị đưa đi tiêu hủy và số tiền bị phạt tới nhiều trăm triệu đồng. 

Tuy nhiên, việc xử phạt của các cơ quan chức năng hình như không đủ sức răn đe nên bà Liễn vẫn liên tục vi phạm, có những vụ chỉ sau khi bị phạt chưa đầy 2 tháng, lực lượng chức năng lại phát hiện cơ sở này “tái sản xuất”, thậm chí với số lượng lớn hơn trước.

Không chỉ có mỡ bẩn, mà các cơ sở “chế biến” dầu ăn từ những nguyên liệu như dầu ăn của các nhà hàng đã qua sử dụng, đen như nhựa đường, đã thiu thối, chỉ cần qua công nghệ nấu, ép, pha chế với hoá chất lại trở thành dầu ăn “xịn”, và chui ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

Điển hình, như ngày 25-5, Công an huyện Thuỷ Nguyên phát hiện Nguyễn Văn Thái, 44 tuổi, trú tại thôn 13, xã Hoa Động, cùng huyện Thuỷ Nguyên, chở 1 xe ôtô dầu ăn đã qua sử dụng. Thái khai thu mua từ các nhà hàng đem về chế biến bán kiếm lời. Kiểm tra nơi ở cũng là xưởng chế biến của Thái, cơ quan Công an phát hiện 2 bể ngầm trên diện tích 100m² chứa khoảng 6.000 lít dầu ăn bẩn. Thái khai nhận: Số dầu thu mua đổ vào bể cùng hoá chất sau đó lọc lại, đóng vào can mang đi tiêu thụ… Thái cũng khai nhận đã “kinh doanh, chế biến” loại hàng này 2 năm, bình quân mỗi tháng đưa ra thị trường hàng nghìn lít dầu loại này.

Qua một số vụ việc nêu trên cho thấy, những cơ sở chế biến này hầu hết nằm trong các khu dân cư, về nguồn gốc nguyên liệu cũng như quy trình chế biến đều không đảm bảo các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường... Đã không ít lần người dân sống xung quanh các cơ sở chế biến này bức xúc phản ánh với chính quyền địa phương những vi phạm của họ, nhất là những cơ sở vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên chỉ đến khi lực lượng Công an phát hiện, kiểm tra thì chính quyền sở tại mới biết. Đơn cử như cơ sở của bà Nguyễn Thị Liễn hoạt động không phải ít năm và vi phạm cũng không chỉ 1 lần.

Theo Trung tá Đặng Thế Dũng, Trưởng phòng PC49: “Để xử lý tận gốc những cơ sở chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn cố tình vi phạm, cũng như ngăn ngừa các cơ sở phát sinh mới chỉ lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực hiện là chưa đủ mà cần tích cực tuyên truyền cho người dân sớm phát hiện các cơ sở vi phạm tại khu dân cư, trình báo cho chính quyền. 

Đi với đó, chính quyền các địa phương cùng các cơ quan chức năng như Sở Y tế, VSATTP... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Công an các địa phương cũng như Phòng PC49, kiên quyết bắt và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không để họ ngang nhiên hoạt động tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm độc hại, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng cộng đồng...”.

Văn Thịnh
.
.
.