Đại dự án 63.500 tỷ ven sông Sài Gòn: Mới đề xuất đã nhiều bất cập
- Thu hồi đất do doanh nghiệp không thực hiện dự án
- Cử tri bức xúc việc các dự án gây thất thoát lớn chưa có biện pháp xử lý
- Dự án nghìn tỷ vướng cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
Trước đề xuất làm dự án có sử dụng diện tích đất quá lớn như vậy, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ KH&ĐT thẩm định đề xuất này.
Góp ý với thành phố, Bộ KH&ĐT lưu ý rằng quá trình thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt dự án này, Sở KH&ĐT cần lưu ý rà soát, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các nội dung còn thiếu của hồ sơ đề xuất dự án như giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự để có cơ sơ thẩm định.
Nếu được chấp thuận, ven sông Sài Gòn sẽ có tuyến đại lộ åđể phục vụ giao thông. |
Mặt khác, đề xuất dự án này chưa làm rõ một số nội dung như sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển GTVT của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Về đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp và tư vấn, dự phòng với số tiền lên đến 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của chủ đầu tư), Bộ KH&ĐT cho rằng, theo quy định của Chính phủ, vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, sau đó thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu không đủ để bù đắp chi phí và lợi nhuận.
Đồng thời, đó phải là các dự án do bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.
Ngoài ra, những dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết, do đó đề xuất trên của nhà đầu tư không phù hợp với quy định hiện hành. Theo Bộ KH&ĐT, quỹ đất thực hiện dự án này là rất lớn, từ đó Sở KH&ĐT cần tham mưu cho thành phố xem xét tính khả thi của việc bố trí đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai của thành phố đang hạn chế.
Bên cạnh đó, dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, nên cần đánh giá kỹ tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh của dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng, người dân thành phố nói chung. Bộ KH&ĐT đề nghị TP Hồ Chí Minh cần lấy ý kiến của các cơ quan chức năng. Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần lấy ý kiến rộng rãi cư dân thuộc khu vực dự án và HĐND để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ KH&ĐT cho rằng, do dự án có mức vốn đầu tư rất lớn, gồm nhiều hạng mục phức tạp, trong đó có đại lộ kết hợp cầu vượt, nên TP Hồ Chí Minh cần lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư trên.
Việc xác định quỹ đất để thanh toán đối ứng cho nhà đầu tư cũng phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá với giá trị dự án BT này. Bộ KH&ĐT còn xác định, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung cốt lõi của phương án tài chính cho dự án, từ đó nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động cho dự án; tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án; đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định.
Phản bác lại đề xuất được chỉ định thầu của nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT khẳng định, dự án không thuộc nhóm liên quan đến bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ, công nghệ hoặc thu xếp vốn, do vậy dự án cần được đấu thầu rộng rãi để đảm bảo công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.