Nhận đất trồng rừng để… phá rừng
- Kỷ luật tập thể, cá nhân liên quan các vụ phá rừng ở Tiên Lãnh
- Nhiều cán bộ bị kỷ luật, 8 đối tượng bị khởi tố vì phá rừng
Tại Tây Nguyên, Đắk Nông được xem là một trong những tỉnh đứng đầu trong việc giao khoán đất rừng và cũng là tỉnh “nóng” về nạn phá rừng. Theo số liệu thống kê, từ 2004 đến 2016, tỉnh này đã giao hàng trăm nghìn ha rừng, đất rừng cho các doanh nghiệp để trồng rừng, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp khác. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, rừng đã không được bảo vệ nguyên vẹn hay trồng thêm mà còn bị tàn phá tan hoang.
Điển hình như tháng 10-2005, Công ty TNHH SX-TM Vĩnh An (đóng tại huyện Cư Jút) được UBND Đắk Nông giao 1.442ha đất và rừng trên địa bàn huyện Cư Jút để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Trong 1.442ha thì có đến 580ha rừng nguyên sinh buộc công ty phải khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9-2017, toàn bộ 580ha rừng được giao cho công ty đã bị xóa sổ.
Tương tự, tháng 2-2016, Hợp tác xã Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) được UBND tỉnh cho thuê 1.215ha đất và rừng tại các Tiểu khu 1664, 1645 trên địa bàn xã Quảng Sơn để thực hiện Dự án Quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Vào thời điểm cho thuê, trên tổng diện tích 1.215ha thì có 654ha đất có rừng, số còn lại là đất rừng. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng (2-2017), đơn vị này đã để hơn 53ha rừng bị chặt phá, cạo trọc.
Còn tại địa bàn huyện Ea Súp, Đắk Lắk đã có hàng trăm doanh nghiệp, công ty đến địa phương này để thuê đất, thuê rừng thực hiện các dự án khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tại đây chưa thấy bất kỳ một công ty, doanh nghiệp nào “ăn nên, làm ra”. Trong khi đó, hầu hết diện tích rừng mà các công ty, doanh nghiệp thuê đều bị tàn phá tan hoang.
Cụ thể như năm 2011, Công ty TNHH Anh Quốc (có trụ sở đóng tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh cho thuê 1.165,2ha đất tại Tiểu khu 293 trên địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp để thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm triển khai, dự án hoàn toàn bị phá sản. Hệ lụy để lại là đất rừng bị người dân vô tư lấn chiếm. Hệ lụy đau lòng nhất chính là hàng trăm ha rừng nguyên sinh giao cho công ty quản lý, bảo vệ đã bị tàn phá.
Hàng trăm ha rừng trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông sau khi giao cho các doanh nghiệp đã bị chặt phá tan hoang. |
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên có 3.326.647ha, trong đó diện tích có rừng là 2.558.646ha. Toàn bộ diện tích này đã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng; trong đó các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 1.263.270ha, các công ty lâm nghiệp nhà nước 920.242ha, các tổ chức kinh tế khác 193.743ha, hộ gia đình, cá nhân 102.102ha, cộng đồng dân cư 26.679ha, UBND các cấp 716.320ha, còn lại là các tổ chức khác. Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, hiện có đến 282.896ha đang bị tranh chấp với người dân.
Theo ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, qua rà soát cho thấy, trong hàng nghìn doanh nghiệp đến xin triển khai các dự án nông, lâm nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên chỉ một số nhỏ doanh nghiệp có năng lực kinh tế thực sự, làm ăn đàng hoàng. Đa phần còn lại tìm cách xí phần, kiếm dự án để phá rừng, chiếm đất trục lợi, chuyển nhượng... và đã để lại những hậu quả đau lòng.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để có cơ sở xử lý các dự án sai phạm, cương quyết đình chỉ, thu hồi các dự án để rừng bị phá hoặc không thực hiện. Đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, buộc phải bồi thường thiệt hại, truy cứu trách nhiệm hình sự. Có làm kiên quyết như vậy thì những cánh rừng Tây Nguyên mới có thể giữ lại được.