Hai dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội và những "cái bẫy" trên mặt đường
- Gầm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông biến thành nơi tập kết phế thải1
- Lại xin lùi tiến độ hoạt động đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Thi công các công trình đường sắt trên cao khiến đường bộ xuống cấp trầm trọng với nhiều ổ voi, ổ gà và trở thành những cái “bẫy” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông- đây là tình trạng mà chúng tôi ghi nhận được tại 2 dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Các đơn vị có liên quan khi được hỏi về vấn đề hoàn trả mặt bằng thì “hẹn trả lời sau” hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
“Bẫy” dọc đường
Tuyến đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nơi đang thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã và đang dần trở thành những cái “bẫy” khi đường ngày càng xuống cấp với rất nhiều ổ voi, ổ gà.
Chiều 21-7, có mặt tại đường Hồ Tùng Mậu, theo ghi nhận của chúng tôi, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Trên hướng Hồ Tùng Mậu - Nhổn, lòng đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Nhiều người đi xe máy không chịu chờ đợi liên tục leo lên vỉa hè để đi.
Thoạt nhìn sẽ tưởng đoạn đường trên ùn tắc do bị rào tôn kín lại để phục vụ thi công nhà ga đường sắt trên cao. Tuy nhiên, mục sở thị mới biết nguyên nhân lại do đoạn đường tại khu vực nhà ga đang thi công bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường gồ ghề, lồi lõm, chi chít các vị trí hố sâu. Đường xấu khiến các loại xe, nhất là ôtô gầm thấp di chuyển khó khăn, chậm lại và buộc các phương tiện đi sau phải đi chậm theo.
Đúng những ngày trời mưa, những hố sâu chứa đầy nước khiến đoạn đường thêm nhớp nháp, bẩn thỉu. Dọc đoạn đường từ Diễn - Nhổn, nhiều phần đường cũng bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa, khắc phục, gây ảnh hưởng đến giao thông. Ngoài ra, nhiều đoạn đường đã được gác xong phần cầu cạn nhưng vẫn chậm trễ trong việc hoàn thành các hạng mục trên mặt đất để tháo dỡ rào, hoàn trả mặt đường.
Tương tự, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi công kéo dài, chậm trễ và liên tục xin được gia hạn tiến độ khiến người dân không khỏi bức xúc. Hàng vạn người dân hằng ngày đi lại dọc trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung - trong phạm vi dự án này - còn ngán ngẩm bởi tình trạng thi công mất an toàn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Hiện tại, sau thời gian dài “chiếm dụng” mặt đường, phần lớn “lô cốt” rào chắn cản trở giao thông (được dựng lên để đảm bảo an toàn thi công) đã được Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT tháo dỡ sau khi thi công xong.
Tuy nhiên, mặt đường tại những khu vực này hầu hết cũng bị hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều đoạn lồi lõm, tạo thành những vệt hằn lún, ổ gà...
Vì tránh ổ gà trên đường, một người dân đang lưu thông đã đâm phải tường rào công trình. |
Ai chịu trách nhiệm?
Theo quy định đối với các dự án mượn đường bộ để thi công, sau khi hoàn thành phải trả lại như nguyên trạng ban đầu hoặc là tốt hơn. Tuy nhiên, đối với những phần thuộc 2 dự án trên đã hoàn thiện, việc hoàn trả mặt bằng lại đang diễn ra rất chậm.
Dù trước đó, thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, cho đến nay Dự án đã hoàn thành trên 30% tiến độ công việc của thời gian triển khai. Ban quản lý cũng thông tin thêm hơn 1km rào tính từ đoạn Đại học Quốc gia (dọc trục đường Xuân Thuỷ - Hồ Tùng Mậu) đến cầu Diễn đã được dỡ bỏ, trả lại không gian giao thông ban đầu cho người dân.
Nhà thầu cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn ngặt nghèo để đảm bảo an toàn cho công nhân, các phương tiện giao thông và cư dân dọc công trường.
Nói là vậy, song thực tế thì vẫn là những đoạn đường lồi lõm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết: Đoạn quốc lộ 32 đầu cầu Diễn hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà.
Sở đã có nhiều văn bản để nhắc nhở Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội về tình trạng quốc lộ 32 sau khi đường sắt thi công đã xuống cấp nghiêm trọng, đề nghị sửa chữa, nâng cấp lại đường để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, phía đường sắt vẫn chưa kịp thời nâng cấp, hoàn trả lại mặt đường.
Ông Nguyễn Đức Giang cũng cho biết thêm, ở phía ngoài mặt đường, đơn vị đang thảm lại những đoạn ổ voi, ổ gà để nâng cấp tuyến đường. Nhưng riêng đoạn rào chắn bị xuống cấp thì chưa làm do…
“không thuộc trách nhiệm của chúng tôi”. Cũng theo ông Giang, vì trời mưa nên không thể vá đường bằng nhựa chỉ đảm bảo giao thông bằng cấp phối hoặc bằng nhựa trộn... “Đây chỉ là giải pháp tình thế. Để nâng cấp cả tuyến đường cần rất nhiều tiền, đơn vị duy tu chỉ đảm bảo ngoài phần rào chắn và nhắc nhở đơn vị thi công dự án”, ông Giang cho hay.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Công trình giao thông 2 cho biết, qua quá trình thi công đường sắt trên cao, nhà thầu rào chắn, đào đường để đặt công trình ngầm thi công đã phát sinh rất nhiều vị trí hư hỏng trên quốc lộ 32 nhưng không được nhà thầu sửa chữa.
Công ty cũng đã chụp ảnh các vị trí hư hỏng, làm nhiều văn bản đề nghị ban và chỉ đạo các nhà thầu phải sửa chữa mặt đường nhưng chưa thấy trả lời hay trả lại mặt đường cho người tham gia giao thông.
Mới đây, qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh dọc tuyến đường trong phạm vi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn khá nhiều bất cập.
Cụ thể, tại các nhà ga và một số vị trí móng trụ ngoài khu vực nhà ga, sau khi thi công, mặt đường đã bị lún, lõm. Đáng chú ý, một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng không được đơn vị thi công hoàn trả...
Trước tình trạng trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý đường sắt phải chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm trả lại mặt bằng giao thông.
Đặc biệt, tại khu vực các nhà ga, nhà thầu phải hoàn trả mặt bằng vị trí thi công; đồng thời phải rà soát công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên toàn công trường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan khu vực các nhà ga, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu cho thảm chỉnh trang lại toàn bộ mặt đường khu vực các nhà ga.